Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã khám cho 920.794 lượt bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú 121.320 bệnh nhân, điều trị ngoại trú 32.750 lượt bệnh nhân. Hiện nay, nhu cầu đến khám, chữa bệnh của nhân dân tại các cơ sở y tế gia tăng.
Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh ghi nhận 171.486 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 266 trường hợp tử vong. Hiện ngành y tế tỉnh đang điều trị 173 trường hợp. Chỉ riêng trong 7 ngày gần đây có 129 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong khi đó, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên đã bao phủ tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 và mũi 2; tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 56,2%, mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 28,9%. Nhóm từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 101,5%, mũi 2 đạt 96,1%, mũi 3 đạt 37,9%. Nhóm tuổi từ 5-11 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 60,2%, mũi 2 đạt 19,6%.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc. |
Đối với dịch sốt xuất huyết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 140 ổ dịch nhỏ tại 61 xã thuộc 14 huyện, với 2.451 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,1 lần so với năm 2021 và đã có 2 trường hợp tử vong. Ngành y tế tỉnh đã điều tra, xử lý 100% ổ dịch được phát hiện bằng phun hóa chất và vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận 517 ca mắc bệnh tay-chân-miệng tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố…
Hiện nay, ngành y tế tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là đẩy mạnh công tác phòng, chống sốt xuất huyết và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các lứa tuổi…
Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn như từ đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2022, đã có 155 viên chức trong ngành y tế tỉnh, trong đó có 83 bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc. Một số trang thiết bị hiện nay còn thiếu các phương tiện để phục vụ công tác điều trị. Công tác đấu thầu thuốc gặp nhiều khó khăn do ngành y tế tỉnh thiếu nhân lực làm công tác đấu thầu thuốc; nhiều mặt hàng thuốc đã hết thời gian được cấp phép lưu hành nhưng Bộ Y tế chưa gia hạn, cấp số đăng ký kịp thời nên các cơ sở y tế không thể mua sắm thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh…
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung thông tin về những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. |
Trong khi đó, dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân như Covid-19, bệnh Whitmore, cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, sởi, bạch hầu… là rất cao.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Y tế sớm trình Chính phủ sửa đổi, ban hành quy định phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Bộ Y tế sớm điều chỉnh những bất cập, tồn tại trong các căn cứ pháp lý về đấu thầu thuốc; tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác đấu thầu thuốc ở các địa phương; hỗ trợ ngành y tế tỉnh đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế và hỗ trợ kinh phí, vật tư, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước tình hình dịch, bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ dịch chồng dịch, tỉnh cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông, vận động nhân dân tích cực tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tỉnh cần triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, tranh thủ những người có uy tín, các già làng, trưởng buôn tham gia công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết; kịp thời có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài; tổ chức phân loại bệnh nhân, thu dung điều trị bệnh nhân kịp thời, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Ngành y tế tỉnh nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, đáp ứng đầy đủ các loại thuốc và vật tư y tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện, cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, tỉnh cần phân tích rõ nguyên nhân khiến y, bác sĩ công tác ở các bệnh viện công lập xin nghỉ việc, bỏ việc. Trên cơ sở đó, tiến hành quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân lực dài hạn cho ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…
Quyền Bộ trưởng Y tế giao cho các đơn vị trực thuộc bộ phối hợp các tỉnh Tây Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường bệnh, nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên…