Quý III/2022, du lịch Việt Nam tiếp đà phục hồi tích cực

NDO - Tính chung 9 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành tiếp tục đà tăng của những tháng trước.
0:00 / 0:00
0:00
9 tháng năm 2022, Việt Nam đón khoảng 1, 87 triệu khách quốc tế. (Ảnh minh họa)
9 tháng năm 2022, Việt Nam đón khoảng 1, 87 triệu khách quốc tế. (Ảnh minh họa)

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý III và tháng 9/2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.

Trong tổng số gần 1.872,9 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.659,9 nghìn lượt người, chiếm 88,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 22 lần so với cùng kỳ năm trước.

Quý III/2022, du lịch Việt Nam tiếp đà phục hồi tích cực ảnh 1

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Khách đến từ châu Á vẫn là chủ lực trong 9 tháng năm 2022 với 1,31 triệu lượt người (chiếm hơn 70%), tăng gấp 13,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là khách đến từ châu Âu với 261,6 nghìn lượt người, châu Mỹ với 209,6 nghìn lượt người.

Tính riêng tháng 9/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 432.000 lượt người, gấp 45,4 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến trong tháng 9 có sự sụt giảm nhẹ so với tháng trước, giảm 11,2%.

Quý III/2022, du lịch Việt Nam tiếp đà phục hồi tích cực ảnh 2

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, doanh thu dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống 9 tháng qua tiếp tục đà tăng do nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè. Trong đó, du lịch nội địa tiếp tục đóng vai trò chủ lực thúc đẩy doanh thu gia tăng.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng qua ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng của năm 2022 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.

1 số trọng điểm du lịch trong nước ghi nhận mức tăng doanh thu dịch vụ lữ hành cao là: Đà Nẵng tăng 634,7%; Hà Nội tăng 386,3%; Hải Phòng tăng 277%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 151,9%; Quảng Ninh tăng 90,3%.

Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương ghi nhận cả doanh thu dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú tăng cao nhất với mức tăng lần lượt 766,8% và 122,5%.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu 5 triệu khách quốc tế

Hiện, toàn ngành du lịch đang tích cực thực hiện xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế nhằm hoàn thành mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đến trong năm nay. Các hoạt động xúc tiến du lịch song phương giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, quốc tế đang được tăng cường mạnh mẽ.

Gần đây nhất, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng TikTok và Hiệp hội Du lịch Việt Nam giới thiệu chiến dịch "Ngân nga Việt Nam" trên nền tảng TikTok nhằm kêu gọi công chúng tìm về vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, tôn vinh văn hóa và góp phần quảng bá du lịch quốc gia.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần lan tỏa cảnh đẹp, văn hóa của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, nhất là khi quảng bá du lịch trực tuyến trở thành một xu hướng tất yếu.

Ngày 9-14/10, tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sẽ diễn ra Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Diễn đàn có chủ đề “Tái thiết ngành du lịch - Kiên cường phục hồi du lịch. Đây là lần thứ 3 nước ta đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Công.

Lần thứ 3 đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Công, đặc biệt Diễn đàn lần này diễn ra ngay sau thời điểm hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Đây sẽ là cơ hội để quảng bá văn hóa, du lịch, con người Việt Nam tới các nước trong và ngoài Tiểu vùng Mê Công mở rộng - GMS (gồm 6 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam).