Để xây dựng đề án Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ tháng 8/2021 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã sát sao chỉ đạo các cơ quan phối hợp cùng các đơn vị tư vấn tổ chức 10 cuộc họp liên quan trong quá trình lập quy hoạch; tổ chức 3 hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương để góp ý, hoàn thiện quy hoạch.
Nội dung của đề án Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi xác định định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và việc phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; tập trung nhận định, đánh giá tình hình phát triển và tổ chức không gian phát triển của tỉnh; các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển kinh tế biển.
Cụ thể, tỉnh đề xuất 3 kịch bản phát triển, bao gồm: Phát triển theo hướng đa trung tâm; phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện; phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.
Về không gian phát triển có 4 hành lang kinh tế chiến lược và 6 không gian kinh tế động lực. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng, có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.
Đối với định hướng các nhóm phương án phát triển, đề án Quy hoạch cũng đã xây dựng 14 phương án phát triển từng lĩnh vực.
Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phân tích, xây dựng dựa trên một hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và không gian phát triển của tỉnh một cách thực chất, tổng thể, bảo đảm tính khả thi. Qua đó, cụ thể hóa đường hướng phát triển của tỉnh; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển.
Đồng chí cho rằng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch đã chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, tranh thủ ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực) là quan trọng và đột phá, đồng thời hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng).
Đồng thời, việc xây dựng Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội; xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực. Trong nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường.