Quy hoạch thủy lợi, đầu tư công trình phòng chống thiên tai có trọng tâm, trọng điểm

Công tác lập, phê duyệt quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung, quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai nói riêng thời gian qua luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chỉ đạo sát sao.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hồ chứa nước Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Quang cảnh hồ chứa nước Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Ðiều đó đã giúp bảo đảm cấp, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao năng lực phòng chống, giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia.

Giai đoạn trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (năm 2018), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập, phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hơn 50 quy hoạch liên quan đến thủy lợi và phòng chống thiên tai theo lưu vực sông, vùng kinh tế và hệ thống thủy lợi. Các quy hoạch này đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo từng giai đoạn của đất nước và định hướng được việc đầu tư phát triển thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai có trọng tâm, trọng điểm.

Ðến nay, cả nước đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên. Trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn (hơn 2.000 ha). Bên cạnh đó, còn có hơn 86.200 công trình thủy lợi, gồm: 6.750 hồ chứa, 592 đập dâng, 19.416 trạm bơm, 27.754 cống, 16.057 đập tạm, 291.013 km kênh mương, 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Ngoài ra, trên hầu hết các lưu vực sông đều có hệ thống hồ chứa tham gia phòng chống lũ với tổng dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du ở các hồ chứa lớn khoảng 14,6 tỷ mét khối nước.

Cùng với đó, hệ thống đê sông hiện có 9.242 km, 1.035 km kè, 1.563 cống dưới đê và hơn 30 nghìn cống bọng, 28 nghìn trạm bơm nội đồng tưới, tiêu kết hợp; hàng nghìn ki-lô-mét bờ bao, phục vụ chống lũ, ngăn mặn, tiêu thoát nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá, các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai đã góp phần cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ dân sinh, sản xuất, cải thiện môi trường, nhất là góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ quốc gia thiếu lương thực, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Mặc dù vậy, trong số các quy hoạch trên vẫn chưa có một bản quy hoạch chung mang tính tổng thể trên phạm vi toàn quốc. Triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QÐ-TTg ngày 9/8/2018 giao nhiệm vụ cho các bộ liên quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tổ chức lập Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi.

Sau thời gian xây dựng kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QÐ-TTg ngày 14/7/2023. Mục tiêu đến năm 2023 của Quy hoạch là cấp nước tưới chủ động cho lúa hai vụ với tần suất bảo đảm 85%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng từ 85 đến 90%; cấp nước tưới bảo đảm cho 70% diện tích cây trồng cạn; nâng dần tần suất bảo đảm tưới cho rau màu lên 90%; bảo đảm cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con; bảo đảm tiêu thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu héc-ta sản xuất nông nghiệp...

Ðây là quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai. Quy hoạch có nhiều quan điểm, định hướng và nội dung mới mà các quy hoạch liên quan đến thủy lợi, phòng chống thiên tai trước đây còn thiếu, hoặc chưa đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay và những thách thức trong tương lai.

Có thể thấy nhiều điểm mới trong quy hoạch này bởi đây là quy hoạch ngành quốc gia, lần đầu tiên được lập trên phạm vi không gian toàn quốc theo Luật Quy hoạch và được xây dựng đồng bộ cùng hệ thống quy hoạch quốc gia; có tầm nhìn và định hướng dài hạn, tổng thể, làm cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thủy lợi, phòng chống thiên tai và quy hoạch tỉnh; là cơ sở để triển khai ngay các nội dung, nhiệm vụ, công trình quan trọng quy mô lớn.

Ðồng thời, quy hoạch đã gắn với các giải pháp thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch cũng nhằm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng phục vụ mục tiêu phát triển đất nước “nhanh và bền vững”, trong đó nhấn mạnh đến việc “chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”.

Mặt khác, các công trình hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai trong quy hoạch được tính toán, đề xuất có kết hợp, đồng bộ với công trình giao thông, công trình hạ tầng khác theo hướng phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hơn nữa, quy hoạch đã đề xuất xây dựng các công trình kết nối, điều hòa, liên kết, chuyển nước, tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực, quốc gia; đề xuất các công trình tích trữ, khai thác nguồn nước, điều hòa nguồn nước theo lưu vực sông, vùng kinh tế-xã hội và theo hệ thống công trình thủy lợi trên cơ sở nâng cao quản lý, sử dụng nguồn nước theo lưu vực sông kết hợp với đơn vị hành chính.

Ðiểm nhấn nữa là các công trình, dự án đề xuất trong quy hoạch đều được xem xét giải quyết những tồn tại, thách thức đối với công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai trong bối cảnh hiện nay và tương lai như: An ninh nguồn nước quốc gia đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức; biến đổi khí hậu, mưa, lũ cực đoan, nắng nóng kéo dài. Bão, lũ, mưa lớn gia tăng về cường độ, tần suất. Nước biển dâng và sụt lún đất có nguy cơ làm ngập các đồng bằng và thành phố lớn trên toàn quốc; phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi ngày càng cao mức độ bảo vệ trước các loại hình thiên tai.

Việt Nam nằm ở hạ nguồn một số con sông lớn, liên quốc gia và hiện đang phải đối mặt với các hoạt động phát triển của các nước thượng nguồn (hồ chứa trên dòng chính, gia tăng sử dụng nước, chuyển nước ra ngoài lưu vực...); thủy lợi phục vụ tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nhu cầu vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng chống lũ là rất lớn, cần phải rà soát, sắp xếp, bảo đảm kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác, huy động hài hòa nguồn lực để phát triển.

Quy hoạch cũng ưu tiên các giải pháp ứng dụng công nghệ số, hạ tầng quản trị số, khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh vào chỉ đạo, điều hành, quản lý, khai thác, vận hành hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo lũ, lũ quét, úng, ngập, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở đê.

Hơn nữa, những công trình, dự án đề xuất trong quy hoạch được chú trọng đến bảo vệ môi trường, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường nước, kiểm soát chất lượng nước, quản lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi. Quy hoạch cũng đề xuất chú trọng các giải pháp phi công trình, như: Bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng phòng hộ để tạo nguồn sinh thủy, trồng rừng ngập mặn, cây chắn sóng vùng cửa sông, ven biển chống sạt lở; quản lý khai thác, vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch sử dụng nước, dự báo xâm nhập mặn; cảnh báo, dự báo, quản lý rủi ro thiên tai...

Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đối với công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai. Ðồng thời, quy hoạch được phê duyệt vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Thủy lợi (28/8/1945-28/8/2023), do vậy càng thôi thúc những người làm công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai có thêm động lực phấn đấu trong công tác và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung quy hoạch đã đề ra, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.