Quy định về độ tuổi lao động của trẻ em

Hỏi: Khái niệm "lao động chưa thành niên " và quy định về độ tuổi lao động của trẻ em trong pháp luật lao động được hiểu như thế nào?

Trả lời: Điều 6 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2003 quy định: Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và giao kết hợp đồng lao động. Điều 119 Bộ luật Lao động quy định: Người lao động chưa thành niên được quy định là người lao động dưới 18 tuổi.

Khái niệm người lao động chưa thành niên trong Luật Lao động bao trùm cả người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên và trẻ em dưới 15 tuổi được làm một số công việc do pháp luật quy định. So với quy định "Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi" của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì người lao động dưới 16 tuổi có đầy đủ quyền và bổn phận của trẻ em, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Như vậy, mặc dù quy định và áp dụng chung cho người dưới 18 tuổi, các quy định của pháp luật lao động về người người lao động chưa thành niên vẫn có ý nghĩa bảo vệ các quyền trẻ em.

Về nguyên tắc, pháp luật cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc. Theo quy định tại điều 121 Bộ luật Lao động, người người lao động chưa thành niên bị cấm làm những công việc nặng nhọc hoặc tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách. Đối với người dưới 15 tuổi chỉ được làm những nghề, công việc mà pháp luật cho phép theo danh mục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Ngoài ra, còn có thêm điều kiện "việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu".

Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm những nghề, công việc không bị pháp luật cấm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

........................................................

Đất giãn hộ có được coi là tài sản chung của vợ chồng?

Hỏi: Trường hợp chính quyền địa phương giao đất cho hộ gia đình để giãn hộ cho chủ hộ là bố mẹ. Vợ chồng con làm nhà trên đất đó, khi vợ chồng con xin ly hôn thì có coi đất đó là tài sản chung của vợ chồng để chia không ?

Trả lời: Theo Điều 118 Bộ luật Dân sự thì: "Quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ gia đình cũng là tài sản chung của hộ". Đồng thời theo hướng dẫn tại Mục IV Công văn số 16/1999/KHXX ngày 1-2-1999 của Tòa án nhân dân tối cao.

- Nếu các thành viên trong hộ gia đình đều đồng ý cho đất để vợ chồng một người con của chủ hộ làm nhà ở, mặc dù không có giấy tờ nhưng có nhiều người biết việc cho đất đó và vợ chồng người con đã làm nhà ở thực sự trên đất đã được cho thành khuôn viên riêng thì vợ chồng người con đó đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất. Khi xét xử cho ly hôn thì quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của vợ chồng và được chia theo quy định chung.

- Nếu các thành viên trong hộ gia đình chưa đồng ý cho đất để vợ chồng một người con của chủ hộ làm nhà ở, nhưng vợ chồng người con đó đã làm nhà ở trên một phần đất đó, thì trong trường hợp này nhà ở là tài sản chung của vợ chồng, còn quyền sử dụng đất vẫn là của hộ gia đình. Khi xét xử cho ly hôn thì Tòa án tính giá trị của nhà ở để chia cho họ hoặc chia nhà ở bằng hiện vật, còn đất thì người nhận một phần hoặc toàn bộ nhà ở phải thanh toán tiền giá trị quyền sử dụng đất cho hộ gia đình theo giá thị trường, địa phương. Trong trường hợp phải thanh toán giá trị quyền sử dụng đất thì Tòa án chỉ buộc phải thanh toán cho những người không đồng ý cho đất theo phần tương ứng mà họ được hưởng.

........................................................

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp nào? 

Hỏi: Con trai tôi đang đi chơi với các bạn ở vũ trường thì bị công an bắt đưa về trụ sở cùng nhiều người khác, lý do là con tôi không đem giấy tờ tùy thân (con tôi không sử dụng ma túy hay chất kích thích gì cả). Xin hỏi việc bắt giữ người như vậy đúng không? Có ảnh hưởng đến lý lịch của con tôi? Cơ quan công an được giữ người trong thời gian bao lâu?

Trả lời:

1. Theo quy định tại Nghị định số 162/2004/NĐ-CP về “Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính”, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác.

- Cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp: người vi phạm không có giấy tờ tùy thân, không biết rõ lai lịch nhân thân; không có nơi cư trú nhất định, cần xác minh làm rõ lai lịch nhân thân và những tình tiết quan trọng liên quan đến hành vi vi phạm.

- Người bị bắt giữ theo quyết định truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp của con ông - nếu cơ quan công an có nghi ngờ hành vi vi phạm của vũ trường - thì việc con ông bị “tạm giữ người theo thủ tục hành chính” do không có giấy tờ tùy thân là đúng với quy định của pháp luật. Việc giữ người như trên chỉ là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm, chứ không phải là một hình thức xử phạt và cũng không ghi vào lý lịch như ông nghĩ.

2. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm (trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn nhưng cũng không được quá 24 giờ). Riêng đối với trường hợp vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn nhưng cũng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

........................................................

Trợ cấp thôi việc đối với người thôi việc do tinh giản biên chế

Hỏi: Những người thôi việc do tinh giản biên chế theo NQ số 16/2000/NQ-CP ngày 18-10-2000 và NQ số 09/2003/NQ- CP ngày 28-7-2003, nghỉ thôi việc từ ngày 1-10-2005 trở đi thì được tính trợ cấp thôi việc như thế nào?

Trả lời:

- Thông tư số 118/2005/TT - BNV ngày 9-11-2005 hướng dẫn cách tính trợ cấp như sau:  Đối với người thôi việc ngay thì về chế độ tiền lương để xác định mức trợ cấp theo giai đoạn đóng BHXH: Trước ngày 1-10-2004 thực hiện theo quy định tại NĐ 25/CP; Từ ngày 1-10-2004 trở đi thực hiện theo quy định tại NĐ 204/2004/ NĐ-CP. Tiền lương tối thiểu chung để xác định mức trợ cấp theo giai đoạn đóng BHXH: Từ ngày 1-10-2005 trở đi theo mức lương tối thiểu chung là 350.000 đồng/tháng; từ ngày 1-1-2003 đến ngày 30-9-2005 theo mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng/ tháng; trước ngày 1-1-2003 theo mức lương tối thiểu chung 210.000 đồng/tháng.

Thời gian để xác định mức trợ cấp theo giai đoạn đóng BHXH: Tổng thời gian tính trợ cấp thôi việc tính theo quy định tại TT số 73/2000/ TTLT - BTCCBCP - BTC ngày 28-12-2000 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính, trong đó: Thời gian để tính trợ cấp thôi việc từ ngày 1-10-2005 đến ngày nghỉ thôi việc được xác định theo nguyên tắc: Trên 6 tháng đến đủ 12 tháng được tính tròn là 1 năm; Đủ 6 tháng trở xuống thì được cộng vào thời gian từ ngày 1-10-2004 đến ngày 30-9-2005.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc từ ngày 1-10-2004 đến ngày 30-9-2005 và số tháng lẻ  từ đủ 6 tháng trở xuống được xác định theo nguyên tắc: Số tháng lẻ hơn 6 tháng đến đủ 12 tháng được tính tròn là một năm, số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở xuống thì cộng vào thời gian từ ngày 1-1-2003 đến ngày 30-9-2004.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc từ ngày 1-1-2003 đến ngày 30-9-2004 và số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở xuống được xác định theo nguyên tắc: Số tháng lẻ trên 6 tháng đến đủ 12 tháng được tính tròn là 1 năm, số tháng lẻ  từ đủ 6 tháng trở xuống thì cộng vào thời gian trước ngày 1-1-2003.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc từ 31-12-2002 trở về trước bằng tổng thời gian tính trợ cấp trừ đi thời gian tính nêu trên, được xác định theo nguyên tắc: Số tháng lẻ từ trên 6 tháng đến đủ 12 tháng được tính tròn là 1 năm, số tháng lẻ từ đủ 6 tháng trở xuống không tính.

Khoản trợ cấp tìm việc làm được tính theo mức tiền lương tối thiểu chung là 350.000 đồng/ tháng.

Đối với đối tượng thôi việc sau khi học nghề, nghỉ hưu trước tuổi, điều chỉnh sang các cơ sở bán công được áp dụng chế độ tiền lương theo NĐ số 204/2004/NĐ-CP và mức tiền lương tối thiểu chung theo quy định hiện hành.