Tham gia cuộc tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân báo cáo cử tri về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và kết quả Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có 41 lượt đại biểu đăng ký phát biểu thảo luận tại hội trường và tại tổ; 3 lượt đại biểu đăng ký với 5 câu hỏi chất vấn chuyển tới các bộ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng dự hội nghị. (Ảnh: Duy Linh) |
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giải trình về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có câu hỏi chất vấn, vừa có ý kiến tranh luận với Bộ trưởng Giao thông vận tải về việc giải quyết cầu Như Nguyệt trên đường cao tốc Hà Nội-Bắc Giang.
Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, cử tri Nguyễn Văn Lợi (xã Liên Am) bày tỏ vui mừng trước kết quả rất thành công của kỳ họp. Công tác chuẩn bị kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, công phu nên các văn bản, báo cáo được trình bày có chất lượng rất cao.
Số đại biểu Quốc hội đăng ký thảo luận, chất vấn, tranh luận đạt kỷ lục, cho thấy không khí dân chủ trong nghị trường thể hiện rất rõ.
Các đại biểu đã rất đề cao trách nhiệm, tâm huyết và thẳng thắn. Các nội dung Quốc hội lựa chọn chất vấn đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Cử tri kỳ vọng những cam kết được đưa ra tại phiên chất vấn sẽ được thực hiện trong thực tế để giải quyết những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm; các luật, nghị quyết được thông qua sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống.
Cử tri Phạm Minh Đức cho rằng, hoạt động Quốc hội có nhiều đổi mới, lan tỏa tới hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, giúp hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn; tạo dấu ấn, niềm tin của cử tri và nhân dân vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu ý kiến, cử tri kiến nghị nhiều vấn đề trong các lĩnh vực sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sáp nhập thôn, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp; tài nguyên, môi trường; tín dụng…
Sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc đầu tiên triển khai thi hành luật, nghị quyết
Giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự ghi nhận, đánh giá cao của cử tri, nhân dân Vĩnh Bảo với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2022, tình hình thế giới biến động rất phức tạp, nhanh chóng và rất khó lường. Nhưng nước ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8%, lạm phát chỉ 3,15%, trong khi các nước có xu hướng rơi vào tình trạng đình lạm (tăng trưởng thấp và lạm phát cao).
Từ năm 2023 đến nay, tình hình rất phức tạp, khó khăn, nhưng nước ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn trong giới hạn kiểm soát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội quyết định kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát dưới 4%. Tình hình kinh tế-xã hội tháng sau có xu hướng tốt hơn tháng trước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng, với những chính sách của Đảng; quyết sách của Quốc hội vừa được thông qua; sự quản lý, điều hành của Chính phủ; sự đồng lòng triển khai các cấp, các ngành, các địa phương, tình hình sẽ ngày càng tốt hơn lên, mục tiêu dù khó nhưng chúng ta cũng vẫn sẽ đạt được.
Quốc hội tiếp tục có sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, thích ứng với hoàn cảnh. Việc chia kỳ họp thành 2 đợt họp cũng là sáng kiến, khoảng thời gian nghỉ giữa hai kỳ họp giúp các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình có chất lượng hơn; các đại biểu ở các cơ quan, bộ, ngành, địa phương vừa có thời gian về giải quyết công tác chuyên môn, vừa có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các tài liệu của kỳ họp.
Theo Chủ tịch Quốc hội: Chất lượng nội dung công việc tại Kỳ họp thứ năm được nâng lên, thời gian rút ngắn lại, các vấn đề, quyết sách, luật, nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh Duy Linh) |
Tháng 8 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ và các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị toàn quốc đầu tiên triển khai thi hành các luật, nghị quyết, quyết sách đã được Quốc hội thông qua.
Qua đó đánh giá việc thực hiện cũng như kế hoạch thực hiện các văn bản luật, quyết sách của Quốc hội; việc thực hiện các cam kết, lời hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Đây cũng là một nét mới trong hoạt động của Quốc hội. Dự kiến, hội nghị này sẽ được tổ chức tại Hải Phòng.
Không máy móc, cơ học khi sắp xếp lại đơn vị hành chính
Về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhờ thực hiện chủ trương này, chúng ta đã tinh giản được đội ngũ biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng phục vụ nhân dân được nâng lên.
Đảng đã tổng kết thi hành chủ trương, trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết việc thực hiện các nghị quyết sắp xếp lại đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và xây dựng nghị quyết sửa đổi, bổ sung các nghị quyết hiện hành.
Nếu đơn vị nào không đáp ứng về quy mô dân số và diện tích, tuy nhiên, chủ trương mới là không làm cơ học như thế, mà phải căn cứ vào văn hóa, truyền thống, lịch sử, dân tộc, tôn giáo và cả yêu cầu về phát triển, được cấp ủy chính quyền địa phương quyết định…
Về chính sách với cán bộ, công chức, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương mới là với những địa phương có diện tích quá lớn, dân số quá đông thì có thể tăng thêm số lượng cán bộ, công chức, không máy móc là chỉ giảm biên chế.
Cử tri Phạm Minh Đức phát biểu ý kiến, kiến nghị về hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Duy Linh) |
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính có nhất thiết phải sáp nhập cơ học các trường học hay không, điều này sẽ do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định. “Tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết này”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho biết thêm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch để sẵn sàng triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã phát biểu làm rõ các vấn đề khác mà cử tri Vĩnh Bảo nêu ra tại cuộc tiếp xúc cử tri, khẳng định các cơ quan hữu quan của Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; chuyển các cơ quan xem xét, giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền.