Quốc hội thông qua việc gia nhập Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

NDO -

NDĐT- Sáng 8-6, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, với tỷ lệ tán thành đạt 94,82%.

Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV sáng 8-6 (Ảnh: TRỌNG ĐỨC - TTXVN)
Các đại biểu tham gia biểu quyết tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV sáng 8-6 (Ảnh: TRỌNG ĐỨC - TTXVN)

Tham gia biểu quyết có 460 đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ hơn 95%. Trong đó, 458 đại biểu tán thành, đạt 94,82%; một đại biểu không tán thành.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động. Đồng thời, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội thông qua việc gia nhập Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức ảnh 1

Kết quả biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Ngày 20-5, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi dự thảo Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về Xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đến ngày 25-5, UBTVQH đã nhận được 358 ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó có 356 ý kiến nhất trí hoàn toàn dự thảo Nghị quyết, hai ý kiến tham gia cụ thể một số nội dung và kỹ thuật văn bản.

Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Thời điểm gia nhập Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức đã chín muồi