Thông tin trên được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 2 chiều 9/1.
Tham dự họp báo có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội…
Thông tin nhanh kết quả Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, sau 3 kỳ họp với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng.
Luật gồm 12 Chương, 121 điều; tăng 3 Chương (Chương VI, VII, XI) và 30 điều so với Luật hiện hành, trong đó, quy định 1 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám bệnh, chữa bệnh (Chương X).
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà thông tin về kết quả của Kỳ họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đặc biệt, Luật có những điểm mới cơ bản như sau: Bổ sung quyền kiến nghị và yêu cầu bồi thường của người bệnh, quy định các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh và thân nhân của người bệnh…; bổ sung thêm 3 chức danh phải có giấy phép hành nghề (dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng); điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề là phải được Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá đủ năng lực hành nghề tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
Ngoài ra, điều chỉnh hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh từ 4 tuyến theo cấp hành chính như hiện hành thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu; bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; quy định giá khám bệnh, chữa bệnh theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tỷ lệ tán thành cao. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà nhấn mạnh, đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên thực hiện; và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Quang cảnh họp báo. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng sự hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây, ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa. Đồng thời, đặt ra mục tiêu tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 để các vùng động lực dẫn dắt, đi trước, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Về công tác nhân sự, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, căn cứ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam và phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục đúng quy định.
Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã trả lời làm rõ một số câu hỏi của phóng viên chung quanh công tác nhân sự tại Kỳ họp; một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.