Quốc hội thống nhất tiếp tục cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

NDO - Kết quả biểu quyết riêng về khoản 2 Điều 9 cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, có 357/448 đại biểu Quốc hội tán thành, 69 đại biểu không tán thành và 22 đại biểu không biểu quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được thông qua sáng nay (27/6) Quốc hội tiếp tục quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (khoản 2 Điều 9).

293 đại biểu nhất trí cấm qua phiếu xin ý kiến

Đề cập nội dung trên trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết nhiều ý kiến đại biểu đồng ý cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong dự thảo Luật này, nếu không tiếp tục quy định của khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ, dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

Quốc hội thống nhất tiếp tục cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. (Ảnh: DUY LINH)

Tại Kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định này và một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Tại kỳ họp này, ngày 21/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng Phiếu xin ý kiến.

Kết quả trong 388 đại biểu Quốc hội cho ý kiến, có 293 đại biểu Quốc hội (chiếm 75,52% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm 60,16% tổng số đại biểu Quốc hội) nhất trí với quy định này là cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Có 95 đại biểu (chiếm 24,48% tổng số đại biểu cho ý kiến và chiếm 19,51% tổng số đại biểu Quốc hội) đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trong đó, có 8 đại biểu Quốc hội có thêm ý kiến khác.

Trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội nhất trí quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và thể hiện tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Kết quả biểu quyết riêng về khoản 2 Điều 9 có 357/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 73,46% tổng số đại biểu Quốc hội), 69 vị không tán thành và 22 người không biểu quyết.

Giao Chính phủ quy định về trích tiền xử phạt

Biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, có 388/450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 79,84% tổng số đại biểu Quốc hội).

Liên quan đến chính sách của Nhà nước, ông Tới cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước; đề nghị quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm; đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế, trong những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tỷ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật.

Quốc hội thống nhất tiếp tục cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn ảnh 2

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. (Ảnh: DUY LINH)

Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Sau khi Luật này được thông qua, Chính phủ phải ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (không phải sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước) để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Ngày 22/6/2024, Chính phủ có văn bản số 335/BC-CP đề nghị “Bố trí tương ứng các khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và một phần khoản thu từ tiền đấu giá biển số xe đã nộp vào ngân sách nhà nước năm trước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại nội dung này và có chỉnh sửa tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật như đề xuất của Chính phủ.

Gồm 9 chương với 89 điều, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định chuyển tiếp. Theo đó, Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe.

Chứng nhận đăng ký xe, biển số xe máy chuyên dùng cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng.

Việc đấu giá biển số xe ô-tô được thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô-tô trúng đấu giá thì tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô; trường hợp chưa được cấp xác nhận biển số xe ô-tô trúng đấu giá thì tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô và quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 của Luật này.