Nhóm Hợp ca Quê hương thu âm, ghi hình tại thành phố Rouen (Pháp). (Ảnh do Hợp ca Quê hương cung cấp)
Nhóm Hợp ca Quê hương thu âm, ghi hình tại thành phố Rouen (Pháp). (Ảnh do Hợp ca Quê hương cung cấp)

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ

NDO - Phía sau cánh cửa của nhà hàng Foyer du Vietnam trên con phố Monge, quận 5, thủ đô Paris, là một không gian âm nhạc đậm chất Việt, khác hẳn với không khí xô bồ của dòng xe ngược xuôi thường thấy trên những con phố của nước Pháp. Chiều chủ nhật hằng tuần, khi quán ăn không còn mở cửa đón khách, những thành viên của nhóm Hợp ca Quê hương lại gặp mặt tại đây cùng nhau luyện tập những thanh âm trầm bổng.

“Tổ quốc gọi tên mình”, “Đường chúng ta đi”, “Giai điệu Tổ quốc”, “Đất nước tình yêu” hay “Mùa xuân đầu tiên” chỉ là một vài trong số những bài hát Việt Nam mà nhóm Hợp ca Quê hương lựa chọn trình diễn tại các sự kiện lễ tân ngoại giao hay hoạt động cộng đồng.

Từ khi thành lập đến nay, nhóm duy trì được bởi những con người Việt Nam xa xứ không chỉ yêu âm nhạc, mà còn yêu quê hương. Có lẽ chính sự tự hào dân tộc ấy, mà các thành viên của nhóm Hợp ca Quê hương chỉ lựa chọn duy nhất các bài hát Việt Nam để mang đi giới thiệu tới cộng đồng kiều bào và bạn bè quốc tế tại Pháp.

Thấy chúng tôi, “người nhạc trưởng” của nhóm dừng lại, tiến về góc quán nơi chúng tôi đang ngồi đợi. Đó là bà Nguyễn Ngân Hà, 70 tuổi, một trong những người sáng lập nhóm Hợp ca Quê hương.

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 1

"Nhạc trưởng" Ngân Hà trong một buổi sinh hoạt của nhóm Hợp ca Quê hương. (Ảnh: MINH DUY)

Bà Ngân Hà là người Việt, sinh ra ở Pháp. Bố mẹ bà đều là Việt kiều tích cực tham gia phong trào yêu nước từ khi còn là sinh viên tại Pháp. Đến năm 2 tuổi, bà Hà được đưa về Việt Nam sinh sống và học tập, năm 12 tuổi lại được đón trở lại Pháp. Có lẽ, thời điểm học tập tại Việt Nam chính là lúc khởi đầu tình yêu âm nhạc của bà.

Khao khát âm nhạc lúc nào cũng chực chờ để bùng cháy trong tôi.

Bà Ngân Hà - Việt kiều tại Pháp

“Lúc còn ở Sài Gòn, gia đình bắt tôi tập trung học chữ, cấm tuyệt đối ca hát. Cũng vì vậy mà khao khát âm nhạc lúc nào cũng chực chờ để bùng cháy trong tôi”, bà Ngân Hà chia sẻ.

Khi sang Pháp, cô bé Ngân Hà khi ấy được theo bố mẹ tham gia các hoạt động cộng đồng. Càng tham gia sâu vào các hoạt động, bà càng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc kết nối cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Nhưng câu chuyện lúc này là làm thế nào để thúc đẩy sự gắn bó và đoàn kết giữa những người Việt Nam xa xứ lại với nhau, làm thế nào để những con người xa lạ có thể cùng nhau sẻ chia nơi đất khách. Có lẽ, “mẫu số chung” lúc này phải là điều mà những người xa quê đều yêu thương, mong mỏi. Và không gì khác, đó chính là quê hương.

Tôi bắt đầu thành lập nhóm Hợp ca Quê hương vào tháng 4/2009. Ban đầu chỉ có 15 người.

Bà Ngân Hà - Việt kiều tại Pháp

“Tôi bắt đầu thành lập nhóm Hợp ca Quê hương vào tháng 4/2009. Ban đầu chỉ có 15 người. Những ca khúc chúng tôi chọn đều là những bài hát Việt Nam, những bài hát về quê hương, dễ hát, dễ thuộc mà mọi người đều yêu thích”, bà Ngân Hà vừa trải lòng, vừa dọn dẹp một số bản nhạc để trên bàn, trong đó có những tờ giấy đã cũ, có lẽ đã được “người nhạc trưởng” này mang ra tập luyện rất nhiều lần.

Đều đặn mỗi tuần, các thành viên trong nhóm Hợp ca Quê hương đến đây sinh hoạt. Trong số họ, có người chuyên, có người không chuyên. Nhưng điểm chung đều là yêu quê hương, yêu âm nhạc, biết lắng nghe và thích chia sẻ với nhau.

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 2

Những bài hát về một Việt Nam hào hùng và thân thiện luôn là sự lựa chọn của nhóm Hợp ca Quê hương khi đi trình diễn. (Ảnh: MINH DUY)

Nhìn về phía dàn nhạc đang say sưa luyện tập, bà Ngân Hà hồi tưởng: “Thời điểm đầu, Hợp ca Quê hương chỉ có hơn chục người. Rồi từ từ mọi người truyền tai nhau đến tham gia, rồi gắn bó. Thật ra rất khó để các thành viên có thể tham gia thường xuyên, vì phải xác định rằng, phần vì sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học sẽ trở về nước, phần vì mọi người vướng bận việc gia đình và công việc, nên thời gian tham gia cũng ít lại. Chính vì thế tôi phải tìm mọi cách để kết nối những thành viên cũ và những thành viên mới với nhau”.

Chiều chủ nhật hôm ấy, tại buổi tập luyện của nhóm hợp xướng, tuy không đầy đủ các thành viên tham gia vì nhiều lý do cá nhân, nhưng gần 40 giọng ca vẫn ngân lên những bài hát Việt Nam đầy hùng tráng. Có lẽ đã được tập luyện nhiều nên các thành viên hát kết hợp với nhau đầy nhuần nhuyễn và trôi chảy.

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 3

Theo ông Laurent Gaurois, tập hát tiếng Việt không hề dễ dàng đối với một thành viên mới như ông. (Ảnh: MINH DUY)

Chúng tôi chú ý tới hai người đàn ông trong nhóm bè nam ở góc phòng. Ông Laurent Gaurois (52 tuổi) là thành viên mới, người Pháp, vẫn còn chưa tròn vành rõ chữ khi phát âm những ca từ tiếng Việt, nhưng cũng nỗ lực hát theo những dòng phiên âm do chính tay ông viết ra. Ban đầu, từ lời mời rủ của một người bạn, từ sự tò mò và cũng từ sự mến mộ dành cho Việt Nam, ông Laurent vẫn đều đặn chủ nhật hằng tuần tới đây để tham gia nhóm hợp xướng và để hiểu hơn về con người Việt Nam thông qua những lời hát, dù nhà ông ở cách đó hơn 30km.

Ngồi cách Laurent không xa là ông Jean-Paul Henryon (56 tuổi), thành viên người Pháp kỳ cựu hơn, với “thâm niên” 5 năm trong nhóm. Không chỉ thuộc làu các giai điệu, ông Jean-Paul còn nói tiếng Việt rất sõi. Từ những bài hát hợp ca “Tổ quốc yêu thương”, “Sóng Cửa Tùng”, “Xin chào Việt Nam”..., ông hiểu hơn về đất nước Việt Nam, nơi những con người hiền hòa, đôn hậu trong tâm hồn và bất khuất, quật cường trong ý chí.

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 4

Chính tình cảm đặc biệt của mình dành cho Việt Nam, ông Jean-Paul Henryon đã nỗ lực học tiếng Việt và gắn bó với nhóm Hợp ca Quê hương suốt hơn 5 năm qua. (Ảnh: MINH DUY)

Anh Vũ Thanh Nhật (25 tuổi) là sinh viên chuyên ngành piano đang theo học tại một nhạc viện ở Paris. Sau khi được giới thiệu đến để đệm đàn thay cho một người bạn, anh Nhật quyết định ở lại và gắn bó với nhóm Hợp ca Quê hương.

“Để có được một dàn hợp ca chuyên nghiệp không phải là dễ, đó là nhờ nỗ lực duy trì của cô Ngân Hà, cũng như sự tập luyện vô cùng nghiêm túc của các thành viên. Sau khi tham gia, tôi thấy các cô chú, anh chị rất chuyên nghiệp trong việc tập luyện, nên tôi quyết định gắn kết với nhóm để cùng hỗ trợ mọi người”, anh Nhật chia sẻ. Dù đã đi biểu diễn chuyên nghiệp ở nhiều sự kiện lớn, nhưng ở nhóm Hợp ca Quê hương, anh Nhật không chỉ được trình diễn cho thỏa sức đam mê của mình, mà chính tình yêu thương, sự hoà đồng của mọi thành viên trong nhóm cũng khiến anh cảm thấy ấm áp hơn nơi đất khách.

Kết nối mọi thành viên thôi là chưa đủ, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, bà Ngân Hà còn tạo điều kiện để nhóm Hợp ca Quê hương đi xa hơn, xuất hiện ở các sự kiện lớn như tiệc lễ tân tiếp đón nguyên thủ quốc gia hay hoạt động giao lưu, kỷ niệm của chính quyền các thành phố tổ chức. Đây cũng là điều khiến các thành viên của Hợp ca Quê hương có thêm tự hào và động lực để tiếp tục gắn bó và thúc đẩy dàn hợp ca phát triển hơn nữa.

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 5

Nhóm Hợp ca Quê hương vinh dự được trình diễn trong buổi gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp ngày 27/3/2018. (Ảnh do Hợp ca Quê hương cung cấp)

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 6

Nhóm Hợp ca Quê hương cùng dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Rouen đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 31/3/2019 tại trụ sở UNESCO ở Paris. (Ảnh do Hợp ca Quê hương cung cấp)

Tham gia nhóm từ những năm đầu đại học, đến nay cũng đã gần 13 năm, anh Phạm Quốc Đạt (31 tuổi) luôn coi Hợp ca Quê hương như gia đình của mình. Chỉ cần đến đây, mọi nghĩ suy đều tan biến theo tiếng hát trầm bổng. “Cùng mọi người đi thu âm ghi đĩa, ghi hình có lẽ là một trong những ký ức khó phai với những người xa quê như mình”, anh Đạt chia sẻ. Và đây cũng là cách mà bà Ngân Hà muốn thực hiện để lưu giữ kỷ niệm đẹp cho các thành viên, như một thành quả, một công trình âm nhạc mà Hợp ca Quê hương rất đỗi tự hào,

Trò chuyện xong với chúng tôi, bà Ngân Hà quay trở lại dàn nhạc. Theo cánh tay đang “múa” của bà, mọi người bắt đầu cất lên những thanh âm trong trẻo. Ánh mắt bà nhìn xuống bản nhạc, rồi lại nhìn về từng nhóm bè, từng thành viên. Có lẽ, với sự cảm mến và tỉ mỉ của mình, bà Ngân Hà luôn biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên để có thể hỗ trợ mọi người theo kịp nhịp nhạc.

Quê hương trên những bản hợp ca nơi xa xứ ảnh 7

Tiết mục trình diễn của nhóm Hợp ca Quê hương phục vụ bà con kiều bào nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Quý Mão 2023. (Ảnh do Hợp ca Quê hương cung cấp)

Những giai điệu có lúc lên cao, lại có lúc xuống thấp, cũng giống như cuộc sống của bất kỳ ai nơi xứ người, có lúc lên bổng, khi xuống trầm. Hợp ca Quê hương cũng là nơi giúp nhiều người cân bằng cảm xúc trong cuộc sống xa quê của mình. Nhóm dù có người chuyên nghiệp, có người không, có người thảnh thơi, cũng có người nhiều mối lo trong cuộc sống, nhưng đến với dàn hợp ca, họ có chung một tình yêu lớn mang tên gọi là “Quê hương”.

Đến với dàn hợp ca, họ có chung một tình yêu lớn mang tên gọi là “Quê hương”.

back to top