Quang Trung Nguyễn Huệ trọng sĩ, cầu hiền

Nguyễn Huệ xuất hiện trước con mắt sĩ phu như vị Anh hùng dân tộc, đức độ và tài năng kiệt xuất, lại khoan dung, độ lượng, một lòng trọng sĩ, cầu hiền ngay từ khi quân nghĩa còn mới nhóm cho đến về sau Người đã lập vương triều mới chấn hưng đất nước. Ðến như một vị đại thần triều Lê là Ngô Trọng Khuê, không theo Tây Sơn, cũng ca ngợi Nguyễn Huệ là bậc "thánh đức lớn ngang trời đất", "sáng đẹp hơn ngũ đế, lòng nhân hiếu cảm động đến trời", làm "rực rỡ cơ nghiệp to lớn, nối tiếp cơ đồ vĩ đại", là một vĩ nhân "hết trận lôi đình lại ra ơn mưa móc, cứu sinh đều khắp, với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, hái chẳng sót loài cỏ mọn", với "khí tượng công bằng rộng lớn từ xưa ít thấy".

Vì thế, những sĩ phu yêu nước, thương nòi, thức thời, năng động thì lần lượt tìm đến với Tây Sơn, và xả thân vì đại nghĩa đến cùng.

Xuất hiện trong hàng ngũ Tây Sơn sớm hơn cả là giải nguyên Trần Văn Kỷ, một danh sĩ Nam Hà, quê ở huyện Hương Trà, Thuận Hóa chưa làm quan cho triều nào. Ðược Nguyễn Huệ mời ra giúp nước vào năm 1786, ông đi theo, trở thành tâm phúc từ ấy bên Nguyễn Huệ. Vị chủ soái thì "việc gì cũng bàn với Kỷ, không mấy khi rời".

Trong số sĩ phu Bắc Hà, người đến dưới trướng Nguyễn Huệ sớm hơn cả, đầu năm 1787 là Ngô Văn Sở, thuộc dòng quan võ nhiều đời triều Lê-Trịnh, phát từ Thạch Hà (Hà Tĩnh). Nguyễn Huệ tin cậy trao cho ông chức Tư mã, cùng Vũ Văn Nhậm ra bắc trừ Nguyễn Hữu Chỉnh phản bội, và bí mật dò xét thái độ của chính Vũ Văn Nhậm, kẻ quả nhiên về sau cũng nổi loạn đến nỗi bị trừ khử. Năm 1788, ông lại được giao binh quyền và trọng trách cai quản toàn bộ Bắc Hà, đã có công lớn trong đại thắng Xuân Kỷ Dậu 1789.

Ðặng Tiến Ðông thuộc dòng họ nhiều đời đỗ đạt, làm quan to dưới triều Lê-Trịnh. Ông đoạn tuyệt với truyền thống trung quân không suy tính của cha anh, đã lặn lội tìm vào Quảng Nam ra mắt Nguyễn Huệ, năm 1787. Hai năm sau, lĩnh chức đô đốc, ông dẫn đầu cánh quân đánh thẳng vào đồn Ðống Ða, kéo quân vào Thăng Long sớm nhất.

Nhiều sĩ phu khác đi theo quân nghĩa khi cả chúa Trịnh lẫn vua Lê đều đã bị lật đổ, quân Tây Sơn kiểm soát cả Bắc Hà. Như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và nhiều vị khác.

Ngô Thì Nhậm được nể trọng như danh sĩ số một ở Thăng Long, từng làm quan cho chúa Trịnh. Ông tìm đến ra mắt Nguyễn Huệ khi được lời mời gọi. Nguyễn Huệ mừng rỡ thốt lên: "Thật là trời để dành ông cho ta vậy", và phong cho ông chức Tả thị lang bộ Lại. Ông là bộ óc của lực lượng cai quản Bắc Hà,  chính ông cảnh báo Ngô Văn Sở về nguy cơ ngoại xâm, và khi giặc phạm bờ cõi, ông hiến kế bỏ ngỏ thành, rút lui để giữ toàn quân và làm giặc kiêu căng không phòng bị, đợi đại quân ra đánh bất ngờ mới cầm chắc phần thắng. Nguyễn Huệ  khen mưu kế ấy là diệu kế trong thuật dùng binh.

Phan Huy Ích thì về ẩn ở Sài Sơn, không chạy theo Chiêu Thống. Ðược Nguyễn Huệ cho người đến mời gọi, ông đi theo, nhận chức Thị lang bộ Hình, Ông thỏa chí với chặng đời mới, như ông nói: "Khôn xiết vui mừng, thỏa dạ ước mong", vì Quang Trung theo ông đánh giá, là bậc "đạo đức trên chín tầng cao, tài năng hơn nghìn đời trước".

Cùng trong dịp Tết Nguyễn Huệ lưu lại Thăng Long khi đã nhất thống sơn hà, các tiến sĩ Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan... tìm đến ra mắt, cả ba người nhận chức trực học sĩ Viện Hàn lâm, ở lại Bắc Hà giúp Ngô Văn Sở.

Bậc uyên thâm số một đương thời, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, sớm xa lánh thời cuộc, lui về quê ở ẩn trên núi, nghiền ngẫm lẽ thịnh suy trời đất, làm một hiền triết, bởi trong lòng chỉ trung với chính thống (nhà Lê), oán nhà Trịnh, nhưng biết rằng nhà Lê đã suy vong không có cơ cứu vãn. Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ nhất diệt Trịnh, phù Lê (1786), cho người đến dâng thư và lễ vật, một mực cung kính coi là "bậc thầy để thờ", nhưng Nguyễn Thiếp đều từ chối. Lần thứ ba, Nguyễn Huệ đã là Hoàng đế, đem quân ra bắc đuổi giặc trong khi vua Lê lại rước giặc về nhà, thì Nguyễn Thiếp xuống núi khi được mời gặp mặt hỏi kế. Nguyễn Thiếp dâng kế, rằng "Nếu đánh gấp thì không quá mười ngày sẽ phá được. Nếu trì hoãn một chút thì khó mà phá được nó". Lời bàn chính hợp chủ ý của Nguyễn Huệ, càng khiến vị chủ soái tăng tốc hành quân và tác chiến.

Khi Nguyễn Huệ lập triều Tây Sơn, lại có thêm những sĩ phu khác ra giúp triều đại mới. Ðó là Ðoàn Nguyễn Tuấn (anh rể thi hào Nguyễn Du), Vũ Huy Tấn, Bùi Dương Lịch, Phạm Huy Lượng (tác giả "Tụng tây Hồ phú" nổi tiếng).

Trái ngược hẳn với những sĩ phu biết chọn con đường sáng, là một loạt quan triều, kẻ thì do ý thức ngu trung cầm tù, kẻ thì cố níu giữ chức tước danh vị hão đã được vua chúa phong, cắm đầu đi theo chúa Trịnh, vua Lê đến cùng, kẻ thì bỏ mạng trên đường chạy trốn theo vua chúa, kẻ thì cùng vua đi sống lưu vong bỏ xương đất khách, có kẻ sống sót sau này lại tìm đường ra làm tôi tớ cho triều Gia Long. Ðó là những Ngô Thì Chí, Nguyễn Ðăng Trường, Lý Trần Quán, Trần Công Xán, Nguyễn Ðình Giản, Lê Duy Ðản, Trần Danh Án, v.v.

Nhưng tệ hại nhất là những kẻ sĩ xu thời, vụ lợi, không nghĩ đến nước, không biết đến dân, thấy Tây Sơn mạnh như uy vũ thì chạy theo để tìm đường sống và chức vị, có cơ hội lại lập tức  trở cờ, phản trắc. Tiêu biểu là Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm.

HƠN hai thế kỷ đã qua, bài học về chiêu hiền đãi sĩ của Quang Trung Nguyễn Huệ, đi liền với bài học về sự chọn đường của người trí thức vẫn nóng hổi tính thời sự. Sức thức tỉnh và lôi cuốn người của lợi ích quốc gia, dân tộc, cùng sức chinh phục của trí tuệ và tài năng của thiên tài quân sự chính trị, Nguyễn Huệ  đã từ trong bão táp của thế kỷ 18 mà tập hợp được sức mạnh vô địch toàn dân tộc làm nên những trang sử hào hùng.