Quảng Trị xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ làm nền tảng phát triển

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm nền tảng phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm cuối quốc lộ 15D gặp Cửa khẩu quốc tế La Lay thông thương với tỉnh Sanavan (Lào).
Điểm cuối quốc lộ 15D gặp Cửa khẩu quốc tế La Lay thông thương với tỉnh Sanavan (Lào).

Tuy nhiên, trước tình hình phát triển mới, tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm giúp đỡ nguồn vốn để có những đột phá đầu tư hạ tầng giao thông mạnh mẽ hơn nữa.

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển

Thời gian qua một số hạng mục công trình giao thông quan trọng trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đường giao thông ven biển kết nối hành lang kinh tế đông-tây, Khu kinh tế-thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏ được tỉnh bổ sung vào quy hoạch và từng bước triển khai thực hiện, tạo sự liên kết vùng, miền và khu vực. Việc chú trọng cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới nhiều công trình giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hiện tại, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 8.739km. Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Trị được cấu thành chủ yếu bởi hệ thống quốc lộ theo trục dọc, trục ngang, hệ thống đường địa phương bên cạnh đường sắt bắc-nam đi qua địa bàn dài 76km. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có cảng biển Cửa Việt và 2 luồng hàng hải, gồm Cửa Việt và Cồn Cỏ.

Với cảng hàng không, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư, với chức năng là cảng hàng không nội địa; diện tích sử dụng đất là 265,372ha tại huyện Gio Linh. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã giao Công ty cổ phần Tập đoàn T&T lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại-du lịch Quảng Trị Nguyễn Đức Tân cho biết, nhờ hạ tầng giao thông phát triển, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay ngày càng tăng, thúc đẩy hoạt động giao thương trên hành lang kinh tế đông-tây (EWEC) qua các cửa khẩu quốc tế này, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Quảng Trị và lan tỏa đến các khu vực khác.

Việc hợp tác phát triển với các địa phương trong và ngoài nước trên EWEC được tỉnh Quảng Trị coi trọng. Hiệu quả của hoạt động trên đưa đến tổng kim ngạch hai chiều qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tăng từ 38,2 triệu USD năm 2004 lên 450 triệu USD năm 2020 và năm 2021 đạt 640 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 185 triệu USD, nhập khẩu đạt 455 triệu USD. Hàng xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, dăm gỗ; hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ các loại, cao-su, nước tăng lực, nông sản, than đá.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, hiện nay tỉnh đang tập trung xây dựng bến cảng biển Mỹ Thủy ở Khu kinh tế Đông Nam làm khu cảng chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100 nghìn tấn; cũng như đón nhận hàng hóa quá cảnh đường bộ trên EWEC từ Myanmar-Thái Lan-Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-quốc lộ 9 của Quảng Trị về cảng và ngược lại.

Ngoài ra, Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Trị đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo dài 70km theo hình thức PPP. Tỉnh đang giao nhà đầu tư nghiên cứu lập báo cáo đề xuất dự án. Tuy được quan tâm, đầu tư nhưng hạ tầng giao thông ở Quảng Trị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hình thành thêm một hành lang kinh tế song song

Trước tình hình phát triển mới, Quảng Trị đề nghị Trung ương quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa để tỉnh có những đột phá đầu tư hạ tầng giao thông mạnh mẽ.

Theo đồng chí Lê Đức Tiến, cùng với EWEC, tỉnh Quảng Trị đang xúc tiến Dự án nâng cấp, xây dựng quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay kết nối với tỉnh Sanavan (Lào) và Ubon Ratchanthani (Thái Lan), tạo thành một hành lang Para-EWEC song song nhằm kết nối tốt hơn giao thương giữa các vùng.

Hiện tại, Ngân hàng Thế giới đang nghiên cứu lập dự án đầu tư; Tập đoàn Phonesack của Lào sở hữu mỏ than Kaleum có trữ lượng lớn nhất nước này; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn ở Hà Tĩnh cũng xin đầu tư xây dựng vào quốc lộ 15D.

Theo quy hoạch, tuyến quốc lộ 15D có chiều dài 78km, gồm đoạn từ đầu tuyến tại cảng Mỹ Thủy đến quốc lộ 1 đi theo đường tỉnh 582B đã có dài 13,8km; đoạn tuyến xây dựng mới từ quốc lộ 1 đến đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn dài 8km; đoạn tuyến xây dựng mới từ đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài khoảng 34km; và đoạn quốc lộ 15D từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km là đầu tư nâng cấp đường cũ hiện có.

Với vị trí chiến lược quan trọng của quốc lộ 15D trong việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng của khu vực và cả nước; việc hình thành thêm tuyến hành lang này là hành lang kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các quốc gia Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam và ra cảng nước sâu Mỹ Thủy.

Trong lúc đó, tháng 9/2022, Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Savannakhet-Lao Bảo dài 220km để gia tăng hoạt động thương mại. Chính phủ Việt Nam cũng đã có chủ trương giao tỉnh Quảng Trị nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam)-Densavan (Lào). Khu vực các cửa khẩu quốc tế La Lay, Lao Bảo có điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển dịch vụ logistics đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Vì vậy, những đề nghị, chủ trương này với hy vọng sẽ đem lại thịnh vượng cho cả vùng và đang được xem là ưu tiên hàng đầu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, mới đây Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã khẳng định chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công nghiệp vùng theo hướng hiện đại.

Về phía tỉnh Quảng Trị, Nghị quyết khẳng định tiếp tục đầu tư, phát triển hành lang kinh tế Lao Bảo-Đông Hà, La Lay-Mỹ Thủy (quốc lộ ), triển khai công tác thẩm lượng, thẩm định phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu; phân bố không gian công nghiệp theo hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các hành lang kinh tế đông-tây, tập trung đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc, cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo.

Trước đó, đã có các thông báo kết luận về sự đồng thuận cao của Trung ương Đảng và Chính phủ giúp Quảng Trị đầu tư xây dựng quốc lộ 15D để tạo thêm một hành lang song song với EWEC. Nay với sự khẳng định của Nghị quyết 26, tỉnh Quảng Trị càng có thêm cơ sở pháp lý vững vàng để hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ làm nền tảng phát triển kinh tế-xã hội.

Hành lang EWEC hiện nay không chỉ có 4 quốc gia, mà sẽ chuyển thành Hành lang vòng cung kinh tế đông-tây có ít nhất 6 quốc gia tham gia, gồm Philippines về phía Biển Đông và Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar về phía lục địa Đông Nam Á, tiếp cận với 2 đường hàng hải lớn đi qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đây là cơ hội hiếm có không chỉ đưa Quảng Trị mà còn các địa phương miền trung nước ta vào không gian phát triển cùng với các quốc gia đối tác kinh tế vùng lãnh thổ phía tây lục địa châu Á, châu Âu.

“Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cho chủ trương thiết lập Đặc khu kinh tế cửa mở Biển Đông tại địa phận tỉnh Quảng Trị để hình thành hành lang vòng cung kinh tế đông-tây nhằm kết nối với các quốc gia đối tác trong khu vực và thế giới, xem đó là động lực kinh tế của miền trung, Tây Nguyên”, đồng chí Võ Văn Hưng cho biết.