Quảng Trị ưu tiên thu hút đầu tư vào 80 dự án

NDO - Ngày 16/3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phê duyệt Đề án định hướng thu hút đầu tư vào Quảng Trị giai đoạn 2023-2025; tầm nhìn đến 2030. Tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển trên 3 trụ cột chính: công nghiệp-xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ-du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Công ty năng lượng Eni Việt Nam thuộc Tập đoàn năng lượng Eni của Italia đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Quảng Trị. (Ảnh: Quang Huy)
Lãnh đạo Công ty năng lượng Eni Việt Nam thuộc Tập đoàn năng lượng Eni của Italia đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Quảng Trị. (Ảnh: Quang Huy)

Đề án xác định, Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược, lợi thế về địa lý-kinh tế, là đầu mối giao thông; nằm ở trung điểm đất nước trên các trục giao thông huyết mạch đường bộ, đường sắt và đường biển của quốc gia. Là điểm đầu trên tuyến đường chính của hành lang kinh tế đông tây nối với Lào-Thái Lan-Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng...

Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Bên cạnh đó, Quảng Trị có Khu kinh tế Đông Nam, Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo; các khu công nghiệp Nam Đông Hà; Quán Ngang; các cụm tuyến du lịch: Hiền Lương, Cửa Tùng, Khe Sanh, Lao Bảo... đã và đang được đầu tư về hạ tầng, thu hút đầu tư, đang từng bước phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông không ngừng được mở rộng.

Những lợi thế về vị trí địa lý-kinh tế đang tạo cho Quảng Trị một nền tảng rất cơ bản để có thể tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và tăng cường liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, công tác đầu tư đã đạt được kết quả rõ rệt, thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn, nhà đầu tư mạnh đến nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án đầu tư và triển khai đầu tư, giải quyết nhiều việc làm mới cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh thuộc top 20 của cả nước.

Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư thời gian chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, cũng như chưa phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng dự án còn ít, chưa thu hút được nhiều dự án có tính tạo động lực, lan tỏa, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

Đề án Định hướng thu hút đầu tư vào Quảng Trị giai đoạn 2023-2025; tầm nhìn đến 2030 xác định tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính: công nghiệp-xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ-du lịch.

Trong đó, các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như: công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, nhất là chế biến gỗ, silicat, dệt may; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên. Một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh. Các dự án đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh; lựa chọn thu hút đầu tư những dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phấn đấu sớm khởi công đưa nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng vào hoạt động.

Tỉnh xác định chủ động, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ và làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành để phát triển các dự án khí-điện tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và triển khai các bước đầu tư, khai thác. Triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch. Xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền trung vào năm 2030. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic, phấn đấu Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.

Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế-thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistic xuyên biên giới. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số; các dự án đầu tư công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Các dự án về hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ số.

Theo đó, danh mục ưu tiên thu hút đầu tư vào Quảng Trị có 80 dự án, trong đó lĩnh vực công nghiệp điện-năng lượng 4 dự án; sản xuất-chế biến nông nghiệp 14 dự án; sản xuất chế biến công nghiệp 14 dự án; cơ sở hạ tầng 22 dự án; dịch vụ giáo dục-y tế-du lịch 30 dự án.

Tỉnh xác định tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị để cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao nhận thức từ lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ công chức, nhất là các cơ quan liên quan đến việc cải thiện môi trường, thu hút đầu tư hiệu quả, không ngừng cải thiện đời sống cho nhân dân.

Tỉnh Quảng Trị cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.