Quảng Trị: Thử nghiệm thành công mô hình lúa, gạo hữu cơ

NDO - Thực hiện đơn đặt hàng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, từ năm 2021, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu nghe giới thiệu việc sử dụng trứng gà và sữa tươi để phun cho lúa hữu cơ.
Các đại biểu nghe giới thiệu việc sử dụng trứng gà và sữa tươi để phun cho lúa hữu cơ.

Chiều 28/4, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị tổ chức cho các viện, sở, trung tâm chuyên môn; các cơ quan, ban ngành, địa phương ở các tỉnh miền trung và đối tác châu Âu tìm hiểu mô hình Dự án trồng lúa hữu cơ được đơn vị thực hiện nhằm sản xuất gạo có nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước.

Thực hiện đơn đặt hàng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trồng lúa hữu cơ góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, từ năm 2021, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện rộng tại 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Quảng Trị: Thử nghiệm thành công mô hình lúa, gạo hữu cơ ảnh 1

Ông Hồ Xuân Hiếu giới thiệu quy trình trồng lúa và lên men bằng bia và các loại thảo mộc tạo chế phẩm sinh học diệt sâu bệnh cho lúa hữu cơ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sepon Group Hồ Xuân Hiếu cho biết, sau 3 năm triển khai dự án ý nghĩa này, Sepon Group đã từng bước nâng diện tích trồng lúa hữu cơ từ 20ha ban đầu lên 76ha của vụ đông xuân 2022-2023 với giống lúa ST25.

Vụ này lúa hữu cơ của đơn vị được đánh giá được mùa, chuẩn bị thu hoạch để sản xuất thành sản phẩm “Gạo hữu cơ Sepon”. Thời gian qua, “Gạo hữu cơ Sepon” được người tiêu dùng đánh giá chất lượng tốt, không đủ phục vụ thị trường tiêu thụ.

Hành trình tìm hiểu, học tập mô hình này, các viện, sở, trung tâm chuyên môn của các tỉnh miền trung; các cơ quan, ban ngành, quý khách hàng được tận mắt chứng kiến quy mô Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà, nơi có kho lạnh bảo quản lúa, gạo hữu cơ, dây chuyền chế biến gạo hữu cơ đạt chuẩn châu Âu.

Quảng Trị: Thử nghiệm thành công mô hình lúa, gạo hữu cơ ảnh 2

Máy bay không người lái phun chế phẩm sữa tươi trộn trứng gà cho lúa hữu cơ của Sepon Group.

Đoàn cũng đã đến Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ tìm hiểu giá trị sử dụng các công cụ, thiết bị hiện đại làm lúa hữu cơ như: Máy gieo hạt, mạ khay, máy cấy, máy bón phân; xưởng sản xuất phân hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa từ phân gà và vi sinh vật bản địa; quy trình làm thảo dược từ các sản phẩm nông nghiệp như ớt, tỏi, gừng, thuốc lá, ngâm bia, cá ướp đường để lấy nước phun cho cây lúa thay đạm. Quy trình xử lý xương động vật, vỏ trứng thiêu kết, giã nhỏ, ngâm giấm để lấy nước phun bổ sung canxi, kali.

Sau 3 năm triển khai dự án ý nghĩa này, Sepon Group đã từng bước nâng diện tích trồng lúa hữu cơ từ 20ha ban đầu lên 76ha của vụ đông xuân 2022-2023 với giống lúa ST25.

Cuối cùng, đoàn đến đồng lúa hữu cơ của Sepon Group tại thôn Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ xem quá trình phun chế phẩm sữa tươi trộn trứng gà bằng máy bay không người lái cho lúa phát triển và trải nghiệm bắt cá trên ruộng lúa hữu cơ.

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, sữa và trứng có nhiều chất dinh dưỡng, nhất là axit amin, chất này cũng là chất đạm. Lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, tức là cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng.

Ngoài ra những vật chất còn lại từ hỗn hợp trứng và sữa dính trên lá thì trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh phát triển. Khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa.

Quảng Trị: Thử nghiệm thành công mô hình lúa, gạo hữu cơ ảnh 3

Đối tác người Hà Lan của Sepon Group thích thú cùng trải nghiệm bắt cá trên ruộng lúa hữu cơ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Dự án trồng lúa hữu cơ, VietGAP giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn năm 2030 được tỉnh giao Sepon Group thực hiện nhằm góp phần hiện thực hóa nội dung phát triển nền nông nghiệp hiện đại được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (2020-2025) xác định; cũng như nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc trung bộ và Duyên hải trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống cho người dân.

Phấn đấu đến năm 2025, dự án triển khai tại Quảng Trị được 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hơn 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; đến năm 2030 sẽ có 3.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP.

Sau khi tìm hiểu, các đại biểu cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi cách làm của Sepon Group và tham mưu lãnh đạo địa phương của mình phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ ý nghĩa này nhằm chung sức bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống cũng như nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.