"Tiếp thị" hồ tiêu ở Mỹ
Hai năm trước, chương trình "Quảng bá địa phương Việt Nam tại Mỹ" được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức chọn sáu địa phương tham gia (trong đó có tỉnh Quảng Trị), đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị làm Trưởng đoàn của Quảng Trị. Trong bốn lĩnh vực thế mạnh ưu tiên hợp tác được lãnh đạo tỉnh kêu gọi phía bạn tìm hiểu đầu tư thì có nông nghiệp.
Lần ấy, đồng chí Nguyễn Văn Hùng mang theo một ít sản phẩm hạt tiêu của Quảng Trị được Sepon Group cùng nông dân trong tỉnh hợp tác sản xuất để giới thiệu với đối tác. Hạt tiêu Quảng Trị là một sản vật nổi tiếng từ xưa. Trong tác phẩm "Phủ Biên tạp lục" từ thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Ðôn ghi nhận, nhiều thế kỷ trước đã có những thương gia nước ngoài đến Quảng Trị mua hạt tiêu mang về nước, xem tiêu như "vàng đen". Tiêu Quảng Trị hạt chắc, vị cay và có mùi rất thơm.
Tại buổi làm việc với Tổ chức Roots of Peace và Tập đoàn Noble House Spice ở bang Ca-li-pho-ni-a, khi nhận quà tặng là tiêu khô và tiêu tươi được đồng chí Nguyễn Văn Hùng trao, bà HeiDi Kuhn, Giám đốc Tổ chức Roots of Peace sau khi nếm thử mùi vị hạt tiêu, cho rằng đây là loại tiêu tốt nhất thế giới về giá trị cũng như phẩm chất. Bà HeiDi Kuhn nhất trí tạo mọi điều kiện để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này để tiêu khô Quảng Trị có mặt tại thị trường Mỹ. Dưới sự chứng kiến của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Xan Phran-xi-xcô, Tập đoàn Noble House Spice của Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ với Sepon Group, cam kết cùng hỗ trợ phát triển cho nhãn hiệu tiêu Quảng Trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, tiêu khô Quảng Trị được quảng bá rộng rãi về chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông dân Quảng Trị được hỗ trợ trong việc phát triển cây tiêu bền vững.
Kể lại câu chuyện "tiếp thị" hồ tiêu ở Mỹ hai năm trước, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị phân tích tổng thể bức tranh nông nghiệp của địa phương cho thấy sản xuất tốt, khuyến nông tốt, sản lượng nhiều nhưng đầu ra chưa ổn định, bền vững cho nên không làm chủ được giá cả sản phẩm. Ðể thay đổi cách làm ăn, phải chủ động tìm kiếm thị trường, quan tâm chất lượng và đầu tư thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Mới đây, tỉnh Quảng Trị phối hợp Cơ quan phát triển Pháp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố "Chỉ dẫn địa lý hạt tiêu Quảng Trị". Tỉnh quyết tâm liên kết trồng tiêu sạch, xem đây là một hướng đi bảo đảm tính bền vững cho một sản phẩm đặc biệt. Hiện, toàn tỉnh trồng 2.300 ha, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 3.000 ha. Hai mùa thu hoạch liên tiếp vừa qua, Quảng Trị lần đầu xuất khẩu trực tiếp tiêu khô sang thị trường Mỹ với giá cao hơn nhiều so với giá bán cho tư thương trong nước.
Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn
Ông Lê Thanh Tùng ở thôn Hà Lộc, xã Hải Sơn là một trong những người đầu tiên của huyện Hải Lăng tích tụ ruộng đất (TTRÐ) để sản xuất lớn. Khi huyện có chủ trương khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn, ông Tùng quyết định thuê lại gần 11 ha đất ruộng của 21 hộ gia đình làm cánh đồng lớn canh tác lúa chất lượng cao, mức giá thuê được tính bằng giá trị của 80 kg lúa Ma lâm 48/sào/năm. Theo tính toán, trồng lúa theo mô hình TTRÐ, lãi cao hơn làm đại trà từ 13 đến 18 triệu đồng/ha. Huyện Hải Lăng là địa phương đi đầu tỉnh Quảng Trị trong việc triển khai dồn điền đổi thửa, TTRÐ để trồng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Ðây là một chủ trương lớn của tỉnh, nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới về tái cơ cấu nông nghiệp bền vững. Nhờ TTRÐ, tại huyện Hải Lăng đã hình thành nhiều trang trại và cánh đồng lớn. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, sau khi tích tụ, tập trung thành vùng sản xuất nông nghiệp (SXNN) có quy mô lớn hơn đã giúp giảm chi phí lao động, giống, phân bón... Việc sử dụng máy móc, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất trên quy mô ruộng đất lớn hơn đã giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, lợi nhuận cho người sản xuất, tạo sự gắn bó hơn giữa hộ góp đất với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, qua đó hình thành được cách thức quản lý khoa học.
Ðồng chí Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài việc phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng và trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC thuộc nhóm địa phương đứng đầu nước, Quảng Trị luôn quan tâm đến trồng cây dược liệu thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Mô hình đầu tiên được triển khai tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Lê Nhật Tiên cho biết, xã đã đứng ra làm trung gian ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất trồng gần 10 ha cây dược liệu. Tham gia mô hình này người dân được hưởng tiền thuê đất, rồi lại được chính doanh nghiệp thuê làm công nhân và trả công xứng đáng. Việc TTRÐ xây dựng mô hình cánh đồng dược liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó vai trò đầu tàu của doanh nghiệp, hợp tác vận hành chuỗi giá trị SXNN như dự án trồng cây dược liệu ở xã Cam Thủy đã tạo bước đột phá trong cơ cấu lại SXNN, tăng năng suất, giá trị các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa và tăng thu nhập cho nhân dân. Ngoài Cam Lộ, hiện mô hình này đang phát triển tốt ở các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh…
Cũng theo đồng chí Võ Văn Hưng, trong hai loại con nuôi thì tôm đang được người dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Ðông Hà quan tâm nhiều hơn. Ông Trần Văn Tân ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh nuôi 4 sào tôm thẻ chân trắng trên đất trồng lúa nhiễm mặn, thu hoạch được hơn hai tấn tôm trong một vụ. Trung bình với loại 50 con/kg, bán giá 120 nghìn đồng thì với diện tích nuôi tôm đó mỗi vụ ông Tân đã thu về gần 250 triệu đồng, gấp vài chục lần làm lúa. Xã Vĩnh Sơn có đến 160 ha tôm, có nhiều gia đình tích tụ ruộng nuôi tôm 5 đến 7 ha, mỗi vụ thu về hàng tỷ đồng. Nhiều người ở Quảng Trị đang giàu lên nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng, nên tỉnh coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như kịp thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nuôi tôm liên kết với các doanh nghiệp để nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao với diện tích ngày càng lớn hơn.
Mô hình sản xuất khép kín
Ðồng chí Nguyễn Ðức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, được công bố chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu như hồ tiêu được xuất khẩu sang Mỹ và Pháp, gạo hữu cơ và các sản phẩm organic Quảng Trị, cà-phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân… được tiêu thụ lớn là những sự kiện chưa từng có của nền nông nghiệp Quảng Trị.
Vườn tiêu sạch của người dân xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh.
Có được kết quả đó là do ngay sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc nhìn nhận, định vị lại vị trí Quảng Trị trong mối quan hệ với các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, nhận diện rõ hơn tiềm năng, cơ hội; phát hiện và nhận thức sâu sắc hơn về những khó khăn, thách thức; mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của kinh tế địa phương. Từ đó, tỉnh xác định mục tiêu và định hướng phát triển, đề ra những nội dung công việc, đầu việc trọng tâm, cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp căn cơ.
Với ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị tập trung cơ cấu lại và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hình thành nền nông nghiệp hàng hóa theo nhu cầu thị trường, ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và nông dân để chuyển đổi từ sản xuất nhiều nông sản sang chú trọng gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập. Quảng Trị đã phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất đai của mình. Thực hiện mô hình liên kết hộ nông dân góp đất để phát triển kinh tế; tự nguyện cho Nhà nước thuê đất để Nhà nước cho doanh nghiệp thuê lại đất. Hạn chế cho doanh nghiệp thuê diện tích lớn trong điều kiện quỹ đất có hạn, người dân cần có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Ðể thực hiện tốt chủ trương này, UBND tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, rà soát lại quy hoạch đất đai, thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phân tích bản đồ thổ nhưỡng toàn tỉnh, đánh giá sự thích nghi của từng loại cây trồng, vật nuôi gắn với biến đổi khí hậu để quy hoạch, phát triển phù hợp, hiệu quả hơn.
Năm 2018, lần đầu sản lượng lương thực có hạt của tỉnh Quảng Trị đạt gần 290 nghìn tấn; nhiều nông sản chủ lực vươn đến được các thị trường khó tính nhất. Có thể nói, đây là một năm thắng lợi to lớn của ngành nông nghiệp địa phương, sau ba mươi năm tái lập tỉnh. Với việc xác định rõ các sản phẩm chủ lực hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực để có thể thêm nhiều thành công mới.
Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Quảng Trị