Quảng Trị chú trọng kết nối đông tây để thu hút đầu tư phát triển

NDO - Với quyết tâm đổi mới, tỉnh Quảng Trị luôn trăn trở, tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm tòi hướng đi mới, huy động nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, đã tạo ra được những chuyển biến lớn, quan trọng về mọi mặt, đưa Quảng Trị từ một tỉnh thuộc nhóm tỉnh nghèo đã vươn lên đạt trình độ trung bình của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Võ Văn Hưng kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng Dự án Cảng hàng không Quảng Trị ở huyện Gio Linh.
Đồng chí Võ Văn Hưng kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng Dự án Cảng hàng không Quảng Trị ở huyện Gio Linh.

Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá

Sau gần 4 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, cơ cấu ngành kinh tế của Quảng Trị chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 71 triệu đồng, tăng gấp 12,24 lần so năm 1989, khi lập lại tỉnh. Trong quá trình này, sản xuất nông nghiệp được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế, sản lượng lương thực có hạt đạt 30,59 vạn tấn/năm, tăng gần gấp 3 lần so năm 1989. Kết quả này vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tạo ra hàng hóa lúa gạo có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, trong quá trình phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá; hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng đã đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để đạt được các kết quả quan trọng.

Quảng Trị chú trọng kết nối đông tây để thu hút đầu tư phát triển ảnh 1
Du lịch biển Quảng Trị phát triển trên cơ sở thu hút đầu tư tư nhân.

Trong công nghiệp, tiếp tục triển khai các định hướng, tiền đề từ các nhiệm kỳ trước, tỉnh tập trung phát triển các ngành có lợi thế, nhất là công nghiệp năng lượng hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền trung vào năm 2030.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 20 dự án điện gió với tổng công suất 742,2MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 119,6MW (149,5MWp) và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW. Có hơn 90MW hệ thống điện mặt trời mái nhà đã phát điện và vận hành thương mại. Tổng công suất phát điện thương mại các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh tăng hơn 3 lần so đầu nhiệm kỳ và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Các dự án điện gió Quảng Trị đứng đầu cả nước cả về số lượng dự án và tổng công suất phát điện thương mại. Tỉnh đang đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu hợp tác với Lào xây dựng đường dây 500KV kết nối tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet giàu tiềm năng điện gió, nơi có nhiều dự án quy mô lớn đang được đầu tư.

Theo đồng chí Võ Văn Hưng, tỉnh luôn chú trọng huy động nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư theo phương thức hợp tác công tư. Kết quả nổi bật là thu hút đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng sân bay, cảng biển, đường giao thông, khu công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, chiếm trên 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng.

Quảng Trị chú trọng kết nối đông tây để thu hút đầu tư phát triển ảnh 2

Khởi công xây dựng Khu bến Cảng nước sâu Mỹ Thủy.

Một số công trình trọng điểm, có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã có chủ trương từ các nhiệm kỳ trước, đến nay đã khởi công và đang khẩn trương triển khai xây dựng như Cảng nước sâu Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị và các hạ tầng kết nối các hành lang và vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và khu vực.

Công tác chuyển đổi số, hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số được triển khai đồng bộ. Tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời huy động, lồng ghép các nguồn lực xã hội triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 năm 2021-2023 giảm 1,34%. Tỉnh đã ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2022-2026”, đến nay đã hỗ trợ xây dựng được gần 1.400 nhà ở cho hộ nghèo.

Lợi thế lớn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng vừa có thông báo Kết luận nội dung chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị vào các ngày 15 đến 16/10/2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ tỉnh Quảng Trị có rất nhiều tiềm năng, lợi thế lớn. Hạ tầng giao thông thuận lợi đang được triển khai thực hiện, có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; sắp tới là đường hàng không khi sân bay Quảng Trị đang triển khai (sau này thêm đường cao tốc) giúp tỉnh kết nối các trục phát triển bắc nam; đông tây. Đây là lợi thế lớn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh có nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng xanh dồi dào, dư địa cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn nhiều. Diện tích đất đai chưa sử dụng còn khá lớn. Ngoài ra, Quảng Trị còn có nguồn tài nguyên rất đa dạng, phong phú (sắt, đồng, vàng, titan, trữ lượng khí đốt, các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu) để phát triển các ngành công nghiệp.

Quảng Trị chú trọng kết nối đông tây để thu hút đầu tư phát triển ảnh 3
Khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kết nối Hành lang kinh tế đông tây.

Để chuyển hóa các tiềm năng, lợi thế thành hiện thực và đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong phát triển, tỉnh Quảng Trị cần phát huy đoàn kết trong Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, đồng thuận trong nhân dân. Nỗ lực hơn nữa trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tích cực cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục thu hút đầu tư. Chủ động phối hợp, làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương rà soát, đánh giá và khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Trong đó, tập trung khai thác lợi thế phát triển về phía đông của tỉnh, trọng tâm là phát triển Khu kinh tế đông nam Quảng Trị trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, cực phát triển quan trọng của vùng trung bộ, trung tâm giao thương quốc tế, sản xuất điện năng, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của vùng trung bộ.

Đồng thời, mở rộng không gian phát triển về phía tây của tỉnh theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ kết nối đông tây qua Hành lang kinh tế đông tây (Cửa khẩu quốc tế La Lay-Cảng biển Mỹ Thuỷ; Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Cảng biển Mỹ Thủy).

Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh cơ bản được các bộ, ngành ủng hộ, đồng thuận và nhất trí. Trên tinh thần tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Trị, Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ tỉnh Quảng Trị tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn để tiếp tục phát triển, trong đó ưu tiên quan tâm giúp tỉnh khai thác tốt Hành lang kinh tế đông tây, mở rộng không gian phát triển về phía tây; hoàn thành tuyến Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay; có phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đường bộ Cam Lộ-Lao Bảo.

Quảng Trị chú trọng kết nối đông tây để thu hút đầu tư phát triển ảnh 4
Tỉnh Quảng Trị phát triển thương hiệu lúa gạo hữu cơ nổi tiếng.

Nghiên cứu bổ sung quy hoạch phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và các dự án điện khí LNG và tiếp nhận nguồn năng lượng điện từ Lào. Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng quốc gia "Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình".

Kết luận cũng nhấn mạnh Văn phòng Trung ương Đảng nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng các đề xuất của tỉnh về xây dựng “Đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị gắn với tăng cường hợp tác với các tỉnh của Lào để mở rộng không gian phát triển về phía tây; “Đề án phát triển huyện đảo Cồn Cỏ mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng-an ninh”. Sớm triển khai thí điểm mô hình Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan.