Bản giao hưởng của gió ở Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị đang thu hút các dự án đầu tư lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Nhiều người lâu nay nghĩ về Quảng Trị thường nhớ câu thơ của Chế Lan Viên:“ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa/Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ”, nhưng Quảng Trị đang biến khó khăn, thách thức của thời tiết nắng gió thành lợi thế phát triển để trên những công trình năng lượng tái tạo của vùng đất, vùng biển này từng ngày hòa vang bản giao hưởng của gió.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình điện gió ở Quảng Trị đã phát điện thương mại.
Công trình điện gió ở Quảng Trị đã phát điện thương mại.

Quyết tâm hiện thực hóa chủ trương của Thủ tướng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, đến năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.

Để đạt được mục tiêu quan trọng này thì công nghiệp, đặc biệt công nghiệp năng lượng; nông nghiệp và du lịch-dịch vụ được xác định là ba trụ cột chính để phát triển. Trong đó năng lượng tái tạo là lĩnh vực then chốt, đột phá. Thế ba trụ cột được tỉnh chú trọng phát triển và đã tạo ra những điểm sáng năng lượng sạch, nông nghiệp và du lịch. Mặc dù hiện tại nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng Quảng Trị đang thu hút các dự án đầu tư lớn về năng lượng tái tạo.

Theo đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có công suất 1.500MW vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) để quy hoạch Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước mở ra hướng mới phát triển cho tỉnh này.

Để hiện thực hóa chủ trương của Thủ tướng và sự ủng hộ của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị cùng Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đã khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng ở khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, giai đoạn 1 với tổng số vốn đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2026-2027 phát điện. Tỉnh Quảng Trị quyết tâm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án.

Tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, nhà đầu tư hoàn thiện các nội dung quan trọng; cũng như phương án nguồn cung cấp khí cân đối giữa khí hóa lỏng LNG và các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng bảo đảm chủ động, ổn định cho dự án. Khi đi vào hoạt động hy vọng dự án này sẽ thu về khoản ngân sách lớn cho tỉnh.

Hai mỏ khí Kèn Bầu và Báo Vàng cách bờ biển Quảng Trị gần 100km, khai thác trong thời gian tới sẽ cung cấp nguồn khí cho các nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó có việc triển khai thẩm lượng, thẩm định, phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu. Đây là một thuận lợi lớn cho Quảng Trị trong phát triển năng lượng sạch.

PGS, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Quảng Trị cần nắm bắt thời thế, cơ hội, biến những cái bất thuận trở thành lợi thế của thời đại tương lai. Nắng và gió đang thành cơ hội của Quảng Trị để phát triển năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo sẽ biến mảnh đất này tươi đẹp, không ô nhiễm. Muốn vậy, cần phải có những giải pháp mới, khác biệt về đột phá. Phát triển năng lượng tái tạo là cơ hội hạnh phúc cho người dân, là điều không dễ dàng thực hiện nhưng không gì là không thể và vượt khó lại là một năng lực tự thân của Quảng Trị.

Để công suất vận hành thương mại luôn cao

Phác thảo bức tranh phát triển năng lượng tái tạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng cho biết, với quyết tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; nỗ lực của các nhà đầu tư, đến nay tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 671MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021.

Đạt kết quả này, Quảng Trị trở thành tỉnh có số dự án điện gió và tỷ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất nước, chiếm 16,9% toàn quốc. Bên cạnh 19 dự án điện gió nêu trên, Quảng Trị còn 2 dự án điện gió công suất 100MW vừa thi công hoàn thành, 10 dự án đang triển khai thi công có công suất 394MW. Theo ước tính sơ bộ, đầu tư mỗi MW điện gió có doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm, chỉ tính riêng thuế VAT (8%), mỗi MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng gần 500 triệu đồng/năm, thì hơn 1.177MW của 31 dự án điện gió trên góp vào ngân sách tỉnh hằng năm rất lớn.

Đồng chí Võ Văn Hưng khẳng định tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trong giai đoạn 2022 đến 2025, các nhà đầu tư triển khai hoàn thành các dự án năng lượng đã được phê duyệt quy hoạch. Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch để tỉnh triển khai đầu tư các dự án điện gió trên bờ với tổng công suất khoảng 900MW trong số 5.600MW đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó tỉnh triển khai quy hoạch và kêu gọi đầu tư khoảng 1.000MW điện gió ngoài khơi.

Là tỉnh ven biển thuộc khu vực miền trung, có bờ biển dài 74km, Quảng Trị có nhiều lợi thế để phát triển điện gió, điện mặt trời và điện khí. Tỉnh vừa làm việc với Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 và các đối tác về đề xuất, nghiên cứu Trung tâm Hydro xanh Hải Lăng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 175.600 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 31.300 tỷ đồng.

Ngoài ra tỉnh đã thống nhất cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom-Quảng Trị, quy mô khoảng 350ha mặt biển, cách bờ biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng khoảng 8km. Dự án này có công suất 1.000MW với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 72.000 tỷ đồng.

Nếu được phê duyệt quy hoạch và triển khai đầu tư đúng tiến độ, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500-3.000MW, từ năm 2025 đến 2030 công suất phát điện tăng thêm khoảng 6.000MW trên tổng công suất tiềm năng hơn 14.000MW. Tuy nhiên, để bản giao hưởng của gió ở Quảng Trị thêm trọn vẹn như mong muốn của nhiều người, tỉnh đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, để tạo hành lang pháp lý triển khai đầu tư các dự án điện gió, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Các cấp bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng sạch. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư các dự án năng lượng nhằm tiếp tục triển khai đầu tư, sớm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng tái tạo miền trung và cả nước.