Quảng Ninh thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài

NDO - Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29/7 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thành công tốt đẹp đã mang nhiều ý nghĩa đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) diễn ra từ ngày 26-29-7 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thành công tốt đẹp.
Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) diễn ra từ ngày 26-29-7 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thành công tốt đẹp.

Cùng thời gian này, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với VCCI tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh Hội tụ và lan tỏa” vào ngày 26/7 với quy mô 200 đại biểu và Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông vào ngày 28/7 với quy mô gần 300 đại biểu.

Thông qua hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đã quảng bá được tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”, có lợi thế so sánh bậc nhất hiện nay trên cả nước, là địa phương đã 5 năm liên tiếp từ 2017 đến 2021 đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ Ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Khu công nghiệp Deep C với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,5 tỷ USD và lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trị giá gần 60 triệu USD.

Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông với mục tiêu kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Các tỉnh tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.

Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần thành phố Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số thành phố Hồ Chí Minh. Bốn địa phương có lợi thế lớn về kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước. Các doanh nghiệp trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn và hệ thống các cảng biển quốc tế.

Các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các ngành và các đối tác quốc tế để tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.

Đóng góp vào quá trình này, thời gian qua, Quảng Ninh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành lân cận (Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn) tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển.

Tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy, hàng hải quốc tế gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.

Thành công của Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ 21 nền kinh tế thành viên APEC tìm được cơ hội đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh Quảng Ninh, cũng như các tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc phía Đông có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, minh chứng cho tính ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, góp phần thu hút hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.