Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu ở Hà Nội (Việt Nam) và Tokyo (Nhật Bản).
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản nói chung; giữa Quảng Ninh với các tỉnh của Nhật Bản nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Đặc biệt trong 10 năm qua, hai bên đã có những hợp tác rất hiệu quả trên các lĩnh vực quy hoạch, thu hút FDI; xúc tiến thương mại; nông nghiệp; giáo dục đào tạo và giao lưu văn hóa.
Với những cam kết đồng hành mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Quảng Ninh “nói đi đôi với làm”, trọng chữ tín sẽ mở ra cơ hội mới, tương lai mới về mối quan hệ hữu nghị, về đầu tư, hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến của Nhật Bản với Quảng Ninh.
Quảng Ninh cam kết ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió.
Đồng thời sẵn sàng trao đổi cởi mở tất cả các nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm; cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Nhật Bản luôn có vị trí đặc biệt quan trọng dựa trên nền tảng quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên cùng có tiềm năng hợp tác như: y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, dầu khí, chuyển đổi số, môi trường, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao,... Đây cũng đều là những lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản và định hướng thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Yamada Taikio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh có nhiều hạ tầng hoàn thiện như tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay quốc tế Vân Đồn với Hà Nội, Hải Phòng. Tuy số lượng doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh chưa nhiều, song nhu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh là cao, do vậy, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực biết tiếng Nhật và đề nghị thành lập khoa tiếng Nhật trong Trường đại học Hạ Long.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, từ năm 2015 trở lại đây, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đầu tư Việt Nam cao hơn so với ở các quốc gia khác, ở nhiều lĩnh vực, trong đó xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm ưu thế. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang có xu hướng sử dụng các giám đốc điều hành doanh nghiệp của mình ở Việt Nam là người Việt Nam.
Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra đề xuất tỉnh Quảng Ninh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch Covid-19; sử dụng năng lượng sạch; công tác quy hoạch; quản lý lao động; chính sách ưu đãi thuế…