Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Xuân Ký, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng hơn 350 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, diễn giả về du lịch và đại sứ quán một số nước trong khu vực châu Á và Đông Nam Á, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chỉ ra rằng, Quảng Ninh phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt từ những khó khăn sau 3 năm đại dịch Covid-19 cộng hưởng với các khó khăn, bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả thu hút đầu tư, tiến độ và khả năng hoàn thành các dự án mới phát triển sản phẩm du lịch; gây thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, lao động được đào tạo có kỹ năng.
Mặc dù rất có lợi thế nhưng các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển Quảng Ninh chưa thật sự bền vững và chưa chiếm được vị trí quan trọng, trung tâm, dài ngày và độc lập trong các chương trình du lịch Việt Nam của các hãng lữ hành quốc tế; còn nhiều tài nguyên du lịch biển đảo có giá trị nổi bật nhưng chưa phát triển được sản phẩm tương xứng.
Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị. |
Đồng quan điểm với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, con đường phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh là khoa học, bài bản. Để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh cần có định hướng mới, phù hợp tình hình, theo hướng "Sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chất lượng cao, điểm đến an toàn, thân thiện" dựa trên ba trụ cột là tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của dân tộc và bản sắc văn hóa độc đáo của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn.
Đồng thời tỉnh cần phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm bản sắc các sản phẩm truyền thống và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong việc định hướng và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển du lịch để du lịch Quảng Ninh sớm thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, diễn giả về du lịch và đại sứ quán một số nước trong khu vực châu Á và Đông Nam Á, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước đã thảo luận việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những giải pháp thu hút khách du lịch tàu biển đến Quảng Ninh, thu hút khách Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đặc biệt, hội nghị bàn các giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sức hút mới tận dụng cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, hiện đại cả về đường bộ, đường biển và hàng không cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Theo đó các đại biểu cũng cho rằng, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.
Định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản-Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây cũng là những biện pháp không chỉ giúp Quảng thu hút khách du lịch nhằm đạt 15 triệu khách năm 2023 trong đó có 2 triệu lượt khách Quốc tế mà còn góp phần định vị du lịch Việt Nam, giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới.
Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh 2023 thể hiện quyết tâm của Quảng Ninh trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch bền vững, góp phần định vị du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố; giữa Hiệp hội du lịch Quảng Ninh và Hiệp hội du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực kết nối cùng phát triển.