Theo số liệu mới nhất từ Sở Y tế Quảng Ninh, sau bão số 3, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiếp nhận 1.153 người khám, điều trị, cấp cứu tai nạn do bão số 3 Yagi gây ra; trong đó có 4 nạn nhân tử vong, 16 bệnh nhân đa chấn thương nặng, nhiều ca chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, ổ bụng, lồng ngực, gãy xương…
Về công tác vận chuyển cấp cứu người bị nạn, các trung tâm đã tiếp nhận 357 cuộc gọi, trong đó có 136 cuộc gọi cấp cứu. Trung tâm vận chuyển cấp cứu điều phối và vận chuyển cấp cứu thành công 62 chuyến xe cho các đơn vị y tế.
Tại các cơ sở y tế, thiệt hại về cơ sở vật chất chủ yếu liên quan đến gãy đổ nhiều cây xanh, tốc mái các khu nhà có mái tôn, trần hộp kỹ thuật. Nhiều khu vực vỡ kính, khu điều trị và khu điều hành. Các khu vực phụ trợ (nhà xe, tường rào, téc nước và nhiều hạng mục khác) bị ảnh hưởng nặng nề.
Toàn bộ 24 đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn bị mất điện toàn phần hoặc cục bộ, phải sử dụng nguồn điện dự phòng (máy phát điện).
Hiện tại, dữ trữ năng lượng như dầu cho máy phát điện tại các cơ sở y tế đã cạn kiệt, rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Các đơn vị sử dụng nước máy bị ảnh hưởng mất nước do cắt nguồn cung. Nước từ bể dự trữ duy trì được từ 12-24 giờ tùy đơn vị.
Các cơ sở y tế bị tổn thất nặng nề sau bão. |
Đến thời điểm báo cáo, đã có 4 đơn vị đã có nước sạch và điện lưới như: Trung tâm Y tế (TTYT) Móng Cái, TTYT Hải Hà, TTYT Tiên Yên, Bệnh viện Tâm thần); 10 đơn vị vẫn có nước sạch và máy phát điện phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân là: Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy, TTYT Đông Triều; TTYT Vân Đồn, TTYT Bình Liêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa Hạ Long…
Các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh cố gắng bảo đảm duy trì cung cấp suất ăn đến phòng bệnh cho bệnh nhân nội trú và người nhà...
Công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu người bệnh được triển khai kịp thời. |
Để khắc phục thiệt hại và duy trì công tác khám chữa bệnh, Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo phát huy phương châm “4 tại chỗ”: Khẩn trương dọn dẹp các vị trí bị ảnh hưởng do bão số 3 tại đơn vị đảm bảo an toàn khu vực điều trị, các vị trí đường đi, vận chuyển bệnh nhân trong khuôn viên đơn vị; phối hợp với UBND địa phương dọn dẹp cây xanh gãy đổ, tường rào sụt lún đảm bảo đường liên thông đến bệnh viện; vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh sau bão và ưu tiên khôi phục sớm nhất hệ thống điện nước đảm bảo công tác y tế không gián đoạn.
Đồng thời, các đơn vị rà soát, thống kê các thiệt hại về người và cơ sở vật chất tại đơn vị, đề xuất kinh phí sửa chữa tổng hợp báo cáo Sở Y tế để trình UBND tỉnh kịp thời giải quyết.
Các nhân viên y tế khẩn trương dọn dẹp cơ sở để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. |
Các cơ sở khám, chữa bệnh huy động tổng lực sẵn sàng, khẩn trương thu dung, cứu chữa kịp thời đối với các bệnh nhân nhập viện do bão số 3; liên tục rà soát, đề xuất bổ sung thuốc, vật tư y tế duy trì công tác khám chữa bệnh phục vụ bão lũ và cho các đối tượng khác. Đối với các đơn vị có tình trạng quá tải tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đề nghị liên hệ các đơn vị gần nhất để được hỗ trợ và báo cáo về Sở Y tế để được điều phối kịp thời.
Sở Y tế Quảng Ninh cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo cho áp dụng quy định khẩn cấp về công tác đấu thầu theo luật xây dựng để các đơn vị y tế kịp thời sửa chữa, khắc phục cơ sở vật chất bảo đảm không gián đoạn công tác khám chữa bệnh, vì thời gian đấu thầu bình thường theo quy định kéo dài không kịp tiến độ. Đề xuất tỉnh cấp từ nguồn ngân sách cho mua sắm khẩn cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhanh chóng khắc phục hậu quả để ổn định cơ sở khám, chữa bệnh. |
Đồng thời đề xuất chỉ đạo nhà cung cấp năng lượng, dầu máy phát, nước hỗ trợ ngay cho các đơn vị khám, chữa bệnh để duy trì cung cấp dịch vụ y tế. Đặc biệt, đối với các bệnh viện lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Phổi Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả và một số Trung tâm Y tế trên 300 giường bệnh.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, hiện tại các đơn vị đã và đang chủ động khắc phục khó khăn về điện, nước. Hoạt động khám, chữa bệnh đã ổn định, các cây xanh đổ đã được dọn dẹp và dựng lại. Các khu nhà bị kính vỡ, cửa sổ bật đã được phủ bạt hoặc che. 100% người bệnh đến khám được phân luồng xử trí bình thường, các bệnh nhân nội trú có phòng, giường... yên tâm điều trị.