Quảng Ninh là địa phương có tài nguyên phong phú, vì thế công tác quản lý luôn được đặt lên hàng đầu để việc sử dụng nguồn lực này đóng góp cho sự phát triển của tỉnh một cách lâu dài, bền vững. Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã triển khai kiểm tra, rà soát 163 dự án sử dụng đất, qua đó kiến nghị thu hồi 35 dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đất đai với tổng diện tích hơn 1.300 ha; góp phần tích cực vào công tác quản lý đất đai, tài nguyên và cải thiện môi trường.
Ðể tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức xã hội về vấn đề bảo vệ môi trường; có giải pháp xử lý tốt về chất thải rắn, nước thải để bảo đảm môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến môi trường, quản lý đất đai, nuôi trồng thủy sản… khu vực hải đảo. Ngành cũng cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giúp việc cho cơ quan nhà nước quản lý về tài nguyên, môi trường; thực hiện luân chuyển cán bộ làm công tác địa chính; đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hỗ trợ hoạt động của ngành… Các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước; quản lý trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch, quy định của Nhà nước, sự phân cấp cho các đơn vị, sở, ngành và nâng cao sự giám sát của nhân dân. Cùng với đó, thường xuyên rà soát các quy hoạch, nhất là những quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, tránh quy hoạch "treo", ảnh hưởng xấu tới người dân.
* Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Bình Ðịnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển. Hoạt động văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có bước cải thiện rõ rệt. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 6,76%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 44,7 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được các cấp, ngành quan tâm tốt hơn; giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao không ngừng phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân giảm mỗi năm 1,6%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai có hiệu quả, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ở các tổ chức đảng trong toàn Ðảng bộ được tăng cường, chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Ðịnh xác định nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Ðẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; triển khai thực hiện Ðề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" giai đoạn 2014 - 2020; đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, tăng thu ngân sách; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tỉnh cũng phấn đấu thực hiện tốt chính sách đối với người có công; chính sách an sinh xã hội; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.