Quảng Ninh giữ ấm vật nuôi, chống rét cho cây trồng

NDO -

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là các huyện vùng cao đã chủ động các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại đối với cây trồng, vật nuôi và bảo vệ, duy trì sản xuất nông nghiệp trong tình hình thời tiết bất lợi kéo dài như hiện nay.

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc chống rét cho trâu, bò tại  các xã vùng cao của huyện Ba Chẽ.
Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc chống rét cho trâu, bò tại  các xã vùng cao của huyện Ba Chẽ.

Nhận định thời tiết rét hại còn kéo dài, thành phố Móng Cái đã chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi.

Tại xã vùng cao Bắc Sơn  được xác định là khu vực có nhiệt độ xuống thấp nhất thành phố trong những ngày qua, vì vậy chính quyền và người dân đã chủ động các biện pháp phòng, tránh rét để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Vương Đức Cường cho biết, toàn xã đã triển khai các biện pháp phòng, tránh rét cho người, gia súc, gia cầm. Trong đó, cán bộ thú y và cán bộ nông nghiệp đã phối hợp các đồng chí trưởng các thôn đến từng hộ tuyên truyền và hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại. Thông tin tình hình thời tiết và tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân bảo vệ sức khỏe, bảo vệ sản xuất cũng liên tục được thông báo thường xuyên trên loa truyền thanh của xã, thôn vào các giờ 6 giờ và 18 giờ hằng ngày.

Hiện, toàn xã Bắc Sơn có 14.454 con gia súc, gia cầm, trong đó có 295 con trâu, 59 con bò, 635 con lợn và hơn 13.465 con gia cầm; tổng diện tích gieo trồng rau, màu vụ đông xuân của xã đạt 91ha/141ha, trong đó cây ngô là 65ha, khoai lang là 12ha, cây đậu lạc là 6ha và cây rau đậu các loại 8ha.

Thành phố cũng yêu cầu các xã chủ động nắm bắt tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền đến các thôn bản, tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người nhất là với người già và trẻ nhỏ, học sinh; các nhà trường hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh.

Đối với các hộ dân có chăn nuôi trâu bò, vật nuôi, cây trồng chủ động che kín chuồng, trại, bố trí thiết bị sưởi, dự trữ lượng thức ăn, hạn chế thả rông trâu bò ra ngoài, thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc, khử trùng.

Quảng Ninh tăng cường phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng -0
 Hướng dẫn bà con người dân tộc thiểu số ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cách phòng, chống rét cho gia súc.

Là huyện miền núi, vùng cao, hiện Bình Liêu có hơn 5.000 con trâu, bò; hơn 3.000 con lợn; hơn 114 nghìn đàn gia cầm và hơn 2.000 đàn dê. Công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi được huyện Bình Liêu triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Từ đầu mùa đông đến nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu chưa có vật nuôi bị chết do đói, rét.

Với quan điểm không để xảy ra tình trạng trâu, bò chết vì đói, rét, lãnh đạo xã Đồng Văn đã bố trí các tổ công tác đến vận động các hộ nuôi đưa trâu bò về, ủ rơm, chuẩn bị thức ăn dự trữ, cấp bạt cho bà con gia cố lại chuồng trại; hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Hộ gia đình ông Dường Cắm Lồng ở thôn Khe Tiền hiện đang nuôi đàn trâu với 6 con. Do nhà nằm tại vùng núi cao, ý thức được sắp có đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ trong những ngày tới giảm sâu, gia đình ông đã chủ động lùa trâu từ bãi chăn thả về, thực hiện che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn nhằm giữ sức khỏe tốt nhất cho đàn trâu.

Còn hộ ông Tô Xuân Quý ở khu Nà Phạ 2, thị trấn Bình Liêu ngay từ khi thu hoạch lúa mùa, ông đã chủ động dự trữ rơm, ngoài ra chuồng trại được ông dùng bạt quây chống rét và thường xuyên dọn vệ sinh. Ông Quý cho biết, trâu, bò là khối tài sản lớn của gia đình, trước đây đã thấy nhiều trường hợp bò bị chết rét do thời tiết. Được tuyên truyền gia đình ông đã chủ động chuẩn bị thức ăn, che kín chuồng khi thời tiết có dấu hiệu rét đậm không thả bò ra ngoài rừng.

Đến nay, các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn huyện Bình Liêu đều có ý thức chủ động, tự giác làm công tác chuẩn bị bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình trước khi mùa đông bắt đầu như sửa chữa, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn, theo dõi thời tiết để ứng phó kịp thời, tránh thiệt hại về cây trồng và vật nuôi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn gia súc trong tiết trời lạnh giá, phòng đã chỉ đạo chuyên môn hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, vào những ngày trời rét đậm, rét hại cần bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, bảo đảm cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh; đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, rác bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, không bị đọng nước.

Tính đến ngày 17/2, huyện miền núi Ba Chẽ đã thực hiện gieo mạ được hơn 90%; trồng được 350ha ngô; trên địa bàn huyện hiện có gần 2.000 con trâu, bò; 1.864 con lợn và 88.803 con gia cầm. Ngay từ đầu vụ, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh bảo vệ vật nuôi, cây trồng.

Đối với cây lúa, người dân tại các xã vùng cao như Lương  Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh đã thực hiện tốt việc che phủ nilon giữ ấm cho mạ; các cây trồng khác cũng được thường xuyên chăm sóc nâng cao sức đề kháng.

Đối với chăn nuôi, toàn huyện có 158 hộ đã chủ động gia cố, che chắn chuồng trại, tránh mưa hắt, gió lùa vào chuồng bảo đảm giữ ấm cho vật nuôi. Ngoài ra, nhiều hộ dân chủ động dự trữ thức ăn xanh, thức ăn tinh cho gia súc, gia cầm để phòng thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong nhiều ngày tới

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho biết, phòng đã phối hợp với các xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn, tổ chức di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt, che chắn phủ nilon diện tích mạ xuân vừa gieo cấy và không tổ chức gieo thêm trong tình hình thời tiết nhiệt độ xuống thấp. Đồng thời có các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho các loại cây trồng tại các vườn ươm giống cây lâm nghiệp phục vụ sản xuất.

Mới đây, sau khi đi kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh,  Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là; tập trung, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh để nâng cao nhận thức cho người dân, chủ động phòng, chống đói, rét và phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, cây trồng; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tổ chức các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn nông dân khẩn trương làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, giống, thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn; bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng.

Nhờ chủ động các biện pháp trong phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi trên địa bàn, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng trâu, bò hay gia cầm bị chết rét, công tác chuẩn bị giống và gieo cấy hoa màu vẫn đang được triển khai đúng thời vụ, ổn định sản xuất nông nghiệp.