Chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn
Triển khai dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn, giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, tỉnh Quảng Ninh đã trồng mới hơn 100 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn cây keo tai tượng ở hai địa phương là huyện Ba Chẽ và Tiên Yên. Cùng với đó, tỉnh chuyển hóa được hơn 200 ha rừng cung cấp gỗ nhỏ thành gỗ lớn tại các huyện Hải Hà, Ðầm Hà, Ba Chẽ, Vân Ðồn và Hoành Bồ.
Thực hiện dự án, các hộ dân tham gia mô hình được tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng để chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng gỗ. Ông Ðàm Văn Cường, ở thôn Bắc Văn, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ cho biết: Dự án góp phần làm thay đổi tư duy trong trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn của người dân. Hiện gia đình tôi có hơn 50 ha trồng keo, 7 ha trồng thông mã vĩ. Hiện một số địa phương như Ba Chẽ, Ðầm Hà, Hải Hà đã và đang có những chính sách riêng cho phát triển rừng gỗ lớn. Vì vậy, việc nhân rộng dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn của tỉnh Quảng Ninh có tính khả thi cao, phù hợp định hướng phát triển của các địa phương.
Ðiển hình, huyện Ba Chẽ đã xây dựng đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, Ba Chẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000 ha. Trong đó, huyện sẽ trồng mới và trồng sau khai thác trên diện tích hơn 4.000 ha, gồm các loài cây: thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc, lim, lát, dổi; trong đó ưu tiên trồng trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc lưu vực các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện để cải thiện nguồn sinh thủy, điều tiết nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất; giao chỉ tiêu trồng mới 400 ha rừng gỗ lớn cho các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; phát triển thêm 50 ha cây phân tán với các loài cây bản địa như: lim xanh, lát hoa, dổi, đồng thời chuyển hóa gần 700 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Ðinh Thị Vỹ cho biết: Huyện đặt mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn, tuy nhiên hiện địa phương vẫn đang phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Ðó là việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho người dân, doanh nghiệp; việc quản lý quy hoạch; các giải pháp về giống, khoa học kỹ thuật, khuyến lâm; công nghiệp chế biến, thị trường và đầu ra; cơ chế, chính sách và huy động vốn. Năm 2020, huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu phát triển rừng trồng gỗ lớn đạt 520 ha.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua, huyện miền núi Ðầm Hà đã nỗ lực triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, phát triển lâm nghiệp bền vững và cải thiện môi trường sinh thái, nhất là hướng đến hình thành vùng chuyên sản xuất nguyên liệu gỗ lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, giai đoạn 2016 - 2020 huyện sẽ trồng mới hơn 1.000 ha tập trung tại các xã: Quảng Lợi, Dực Yên, Ðại Bình, Quảng Lâm, Tân Lập và Tân Bình. Chủ tịch UBND huyện Ðầm Hà Trần Việt Dũng cho biết: Huyện đang rà soát, bổ sung quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và phát triển rừng vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn; phổ biến, tuyên truyền các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tham gia trồng rừng; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; kỹ thuật chuyển hóa trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cho các chủ rừng.
Quảng Ninh là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Hiện toàn tỉnh có hơn 400.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó hơn 25.000 ha rừng đặc dụng, hơn 136.000 ha rừng phòng hộ và gần 265.000 ha rừng sản xuất; độ che phủ rừng đạt gần 55%, hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng cả trên cạn, ven biển và trên các đảo, Quảng Ninh có tiềm năng và dư địa để phát triển lâm nghiệp. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới hơn 10.000 ha rừng, trong đó, keo tai tượng, keo lai vẫn là loại cây chủ lực được lựa chọn với tỷ lệ gây trồng từ 80 đến 90% diện tích. Lợi nhuận từ sản phẩm rừng trồng đã giúp các hộ dân khu vực miền núi, biên giới cải thiện thu nhập vươn lên xóa nghèo bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang cho rằng: Việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với rừng trồng gỗ nhỏ. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Ngành nông nghiệp cũng đang tham mưu cho tỉnh đề xuất Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù cho Quảng Ninh để phát triển trồng rừng bền vững, nâng cao giá trị từ lâm nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Tạo cơ chế, chính sách phù hợp
Thực tế hiện nay cho thấy, phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu và các ngành nghề chế biến gỗ còn có những hạn chế nhất định. Trước hết là do cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn chưa thật sự thu hút và động viên người trồng rừng. Ðơn cử ở Quảng Ninh quy định mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/ha đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới và mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha tại các địa bàn còn lại, theo phản ánh của người dân mức hỗ trợ này còn thấp. Bên cạnh đó, lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định chặt chẽ như: quy mô rừng gỗ lớn phải đạt tối thiểu là 50 ha đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; 9 ha đối với trang trại, tổ hợp tác; 3 ha đối với cá nhân, hộ gia đình. Người sản xuất được hỗ trợ tối đa hai lần cho cả giai đoạn, chỉ hỗ trợ lần hai khi diện tích mở rộng tối thiểu bằng 50% diện tích trồng lần một. Ðể được hỗ trợ, người sản xuất phải cam kết quy trình sản xuất ổn định, không khai thác cây trồng trước thời gian hoặc chưa đạt các tiêu chuẩn quy định đối với trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, do thời gian thu hồi vốn từ trồng rừng gỗ lớn quá dài, trong khi điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn cho nên chủ trương này chưa được người trồng rừng hưởng ứng. Ðể khắc phục những hạn chế này, ngành lâm nghiệp đang tích cực triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng…
Thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng được gần 51.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng cho 14 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã phê duyệt ba đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư ở chín địa phương trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Quảng Ninh là tiếp tục nâng cao chất lượng các loại rừng, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 55% vào năm 2020; bảo vệ, phục hồi hiệu quả khoảng hơn 122.000 ha rừng tự nhiên, gần 20.000 ha rừng ngập mặn. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng khai thác gỗ đạt từ 350.000 đến 400.000 m3/năm, nhựa thông đạt từ 2.500 đến 3.000 tấn/năm, nguyên liệu dược liệu đạt hơn 4.000 tấn/năm…
Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, cùng các cơ chế, chính sách chỉ đạo về quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp; tỉnh đã có hẳn một nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, những năm gần đây, rừng được bảo vệ và phát triển, độ che phủ rừng hằng năm tăng, chất lượng rừng cải thiện đáng kể. Từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không chỉ là cơ sở để khai thác tốt các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của tỉnh, mà thông qua dự án, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn mở ra triển vọng tạo hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Ðặng Huy Hậu cho biết, tỉnh đang khẩn trương hoàn chỉnh việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chính sách đặc thù trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng, kiểm soát ô nhiễm môi trường, khuyến khích phát triển lâm nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu một cách bền vững. Nghị quyết này sẽ là cơ sở pháp lý quy định về cơ chế ưu đãi hỗ trợ đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân diện được giao, được thuê diện tích đất rừng sản xuất hợp pháp, nay chuyển đất rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, theo quy hoạch ba loại rừng được phê duyệt… Diện tích rừng sản xuất, trước đây thường trồng cây keo, cây bạch đàn thuộc loại gỗ thân nhỏ, vòng đời ngắn nay rừng sản xuất chuyển sang trồng loại cây lấy gỗ thân lớn vòng đời dài, ưu tiên trồng loài gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu); đồng thời, khôi phục rừng bằng các loài cây bản địa, giá trị kinh tế cao. Rừng đa tác dụng, vừa khai thác lợi ích lâm sản vừa tạo nguồn sinh thủy, lại tạo cảnh quan môi trường. Ngoài sổ rừng, chính quyền còn cấp chứng chỉ quản lý khai thác rừng bền vững.
Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của Quảng Ninh đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức trong một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới, hải đảo về giá trị của rừng trồng gỗ lớn. Thông qua việc chuyển đổi này đã có rất nhiều hộ dân vận dụng kiến thức để áp dụng vào sản xuất và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sản xuất gỗ lớn. Ðây cũng là động lực góp phần để Quảng Ninh cùng các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.