Quảng Ngãi: Thiếu hạ tầng lưu trú, dịch vụ cao cấp

NDO - Mặc dù là tỉnh phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm như Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp Vsip… Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có khách sạn hạng 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị đạt tiêu chuẩn…
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển hạ tầng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn là "khoảng trống".
Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển hạ tầng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn là "khoảng trống".

Trong thời gian dài, tỉnh Quảng Ngãi thiếu hạ tầng lưu trú cao cấp, các dịch vụ tổ chức sự kiện đạt tiêu chuẩn để phục vụ doanh nghiệp, khách quốc tế và du khách phân khúc nhu cầu cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh so với các tỉnh, thành trong khu vực.

Hạ tầng dịch vụ, du lịch “nghèo nàn”

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 390 cơ sở lưu trú, với khoảng 4.950 buồng; trong đó có 4 khách sạn 4 sao và tương đương, 8 khách sạn 3 sao và tương đương; 2 khách sạn 2 sao và tương đương; 63 khách sạn đủ điều kiện tối thiếu phục vụ khách du lịch với khoảng 2.300 buồng. Số lượng cơ sở lưu trú tăng đều qua các năm nhưng chủ yếu là loại hình nhà nghỉ và homestay.

Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, các khách sạn được xếp hạng sao chiếm tỷ lệ rất thấp; số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu tập trung ở thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và hai huyện Lý Sơn, Bình Sơn. Địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh Quảng Ngãi là huyện đảo Lý Sơn hiện có khoảng hơn 100 cơ sở lưu trú, với hơn 1.000 buồng; trong đó, chỉ có một khách sạn 4 sao và một khách sạn tương đương 3 sao và 24 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch.

Đến tỉnh Quảng Ngãi công tác và thăm người thân nhưng chị Vân Yên, ngụ tỉnh Bình Định không tìm được nơi ở phù hợp với gia đình. “Tôi nhờ bạn tìm khách sạn và đến ở khách sạn Thiên Ấn nhưng vào đấy 30 phút tôi đi tìm homestay để ở. Khách sạn ẩm thấp, thiết bị xuống cấp và thái độ phục vụ của nhân viên không tốt lắm”, chị Vân Yên phản ánh.

Là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhưng đến nay tỉnh Quảng Ngãi chưa có khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn 5 sao. Đặc biệt, đặc biệt thiếu khách sạn hạng 4 - 5 sao để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khách quốc tế và du khách có khả năng chi tiêu cao.

Đại diện nhà đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất cho biết “Chúng tôi thường mời các đối tác đến công ty để làm việc, thương thảo hợp đồng và các cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, ở đây không có phòng hội nghị, khách sạn tiêu chuẩn theo nhu cầu cần thiết nên công ty thường phải tổ chức ở thành phố Đà Nẵng. Nếu đón khách vào thăm nhà máy, dự án thì sau đó cũng di chuyển ra nơi gần như tỉnh Quảng Nam”.

Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế và xuống cấp; thiếu các dịch vụ bổ trợ như nhà hàng, quầy bar, bể bơi... chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, do tỉnh chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư hạ tầng cơ sở lưu trú; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thu hút các nhà đầu tư chưa nhiều; một số doanh nghiệp không thể tiếp cận đất đai, triển khai chậm, cầm chừng do năng lực tài chính... Dẫn đến hạ tầng cơ sở lưu trú còn hạn chế, chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện, hoạt động có quy mô lớn và mang tầm quốc gia.

Quảng Ngãi: Thiếu hạ tầng lưu trú, dịch vụ cao cấp ảnh 1

Thiếu hạ tầng lưu trú, dịch vụ cao cấp nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tổ chức sự kiện ở các tỉnh, thành lân cận

Cần thu hút các dự án hạ tầng đa dạng phân khúc

Trong hai năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận nhiều đề xuất dự án du lịch có quy mô lớn như: Dự án Công viên Quảng Trường kết hợp khu đô thị – dịch vụ sinh thái thành phố Quảng Ngãi, Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi, Khu đô thị sinh thái Đông Quảng Ngãi, Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Nam và Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc. Đối với các dự án du lịch đã và đang triển khai thực hiện, ngành chức năng hỗ trợ các nhà đầu tư thủ tục pháp lý, hướng dẫn tiếp cận đất đai, thông tin quy hoạch; đề nghị nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt đối với các dự án chậm tiến độ, không còn phù hợp với quy hoạch, không thể tiếp cận đất đai…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, để nâng cao số lượng và chất lượng hạ tầng lưu trú ngành chức năng sẽ thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú cao cấp, có thương hiệu quốc tế, nhất là các khách sạn hạng 3-5 sao tại các địa bàn trọng điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp; kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư hưởng ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất... Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng và hạ tầng lưu trú du lịch.

“Sở cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại chất lượng cơ sở lưu trú để kịp thời hỗ trợ, khuyến khích các chủ cơ sở đầu tư, nâng cấp, mở rộng các dịch vụ bổ trợ. Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ”.

Phát triển hạ tầng lưu trú, đa dạng phân khúc khách sạn, các dịch vụ cao cấp đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp và phát triển du lịch. Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi không phát triển lĩnh vực này ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư so với các tỉnh ở khu vực miền trung – Tây Nguyên và ngành du lịch “giậm chân tại chỗ” trong thời gian dài.