Quảng Ngãi tập trung phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị

NDO -

Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa tổ chức hội nghị đánh giá hai năm thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị.

Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam tại Quảng Ngãi tạo việc làm cho hơn 1.200 công nhân với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Dây chuyền đóng gói sản phẩm của Vinasoy. Ảnh: NGUYỄN LU
Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam tại Quảng Ngãi tạo việc làm cho hơn 1.200 công nhân với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Trong ảnh: Dây chuyền đóng gói sản phẩm của Vinasoy. Ảnh: NGUYỄN LU

Hai năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tục tăng, chiếm 56,5% GDP của tỉnh; tỉnh đã cấp phép cho 46 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 16.499 tỷ đồng, nhiều dự án lớn có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục được đầu tư. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đô thị được các ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Một số địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2012 đạt 14,74%; môi trường văn hóa, văn minh đô thị tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo tại các đô thị giảm còn 7,34%...

Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã điều chỉnh một số chỉ tiêu đến năm 2015 cho phù hợp thực tế, trong đó TP Quảng Ngãi giữ nguyên mục tiêu xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại 2 vào năm 2015; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2015 từ 40% đến 43% xuống còn 16,5%,...

* Kiên Giang quy hoạch vùng chuyên canh lúa và nuôi tôm

Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4% theo tiêu chí mới. Theo đó, tỉnh tập trung khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cụ thể là quy hoạch ổn định vùng trồng lúa, trong đó phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích 120 nghìn ha ở vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên; quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung với diện tích 88.500 ha, với các loại hình nuôi công nghiệp, quảng canh cải tiến năng suất cao, luân canh tôm - lúa phục vụ nguyên liệu chế biến xuất khẩu; khai thác thủy sản biển gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hải đảo.

Tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm, trợ giúp hộ nghèo sản xuất kinh doanh, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư gắn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nguồn lực trong cộng đồng dân cư; tiếp tục phát triển kinh tế hộ gắn với giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đầu tư và hướng dẫn nông dân phát triển mô hình sản xuất "ruộng - vườn - ao - chuồng"...