Quảng Ngãi: Phát hiện 10 đàn chà vá chân xám quý hiếm tại rừng phòng hộ Ba Tơ

NDO - Chiều 17/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), đã phát hiện 10 đàn chà vá chân xám quý hiếm cư trú tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ.
0:00 / 0:00
0:00
Rừng phòng hộ huyện Ba Tơ, nơi cư trú nhiều đàn chà vá chân xám quý hiếm.
Rừng phòng hộ huyện Ba Tơ, nơi cư trú nhiều đàn chà vá chân xám quý hiếm.

Cụ thể, 10 đàn chà vá chân xám quý hiếm tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể, phân bố chủ yếu trong các tiểu khu 452, 455, 457, 459, 462 và 463. Ước tính nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn chà vá chân xám sinh sống ở đây.

Khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên An Toàn (Bình Định) và Khu bảo tồn thiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), do đó Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.

Theo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, khu vực đề xuất thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ nằm trên địa bàn 4 xã: Ba Vì, Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế (huyện Ba Tơ) với tổng diện tích đề xuất hơn 20.139ha, bao gồm 9.253ha vùng lõi, hơn 10.604ha khu vực phục hồi sinh thái, hơn 281,8ha khu vực hành chính-dịch vụ và hơn 15.583ha vùng đệm.

Quảng Ngãi: Phát hiện 10 đàn chà vá chân xám quý hiếm tại rừng phòng hộ Ba Tơ ảnh 1
Chà vá chân xám quý hiếm được người dân huyện Ba Tơ giao nộp cho cơ quan chức năng cứu hộ, chăm sóc.

Do đó, quy hoạch này cần sớm được xem xét và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản; thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học; các cơ chế, chính sách và lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế; chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ bảo tồn ngoài ngân sách Nhà nước nên rất khó để quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể chà vá chân xám và đa dạng sinh học ở đây.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến đầu tháng 12 tới sẽ chủ trì, phối hợp với Trung tâm GreenViet và Tổ chức FFI-Chương trình tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tham vấn giải pháp bảo tồn loài chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ.

“Mục đích của hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn quần thể chà vá chân xám nói riêng và đa dạng sinh học nói chung, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững cho địa phương. Đồng thời, tìm tiếng nói chung, sự thống nhất, đồng tình ủng hộ của chính quyền các cấp, các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh để thành lập Khu bảo tồn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm bảo tồn và phát triển loài chà vá chân xám”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương chia sẻ và cho biết thêm: Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng chỉ phân bố ngoài tự nhiên ở 6 tỉnh miền trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên.

Đây là loài cực kỳ nguy cấp theo Danh mục đỏ IUCN, Sách Đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; được ưu tiên bảo tồn theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Hiện nay, theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, trên toàn quốc chỉ còn khoảng hơn 2.000 cá thể chà vá chân xám.