Quảng Ngãi khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn bản địa

NDO - Để việc tổ chức chăn nuôi lợn bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, nâng thu nhập cho người chăn nuôi, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đồng thời khuyến khích nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái.
0:00 / 0:00
0:00
Việc chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao giúp người chăn nuôi Quảng Ngãi nâng cao thu nhập.
Việc chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao giúp người chăn nuôi Quảng Ngãi nâng cao thu nhập.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh động vật, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Chỉ đạo tăng đàn, tái đàn hợp lý ở những vùng không có dịch, vùng có nguy cơ thấp, bảo đảm đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khuyến cáo tăng đàn, tái đàn tại các trang trại, nông hộ an toàn dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống và thức ăn.

Chỉ đạo phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh; nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế).

Thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên, chú trọng những vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, bảo vệ đàn lợn nái để chủ động nguồn giống cung cấp cho người chăn nuôi.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi VietGAP để phòng, chống dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi mang tính bền vững theo hình thức chuỗi liên kết: sản xuất-giết mổ/chế biến-thị trường trong chăn nuôi; hạn chế chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ tự phát chưa bảo đảm vệ sinh thú y nhằm góp phần ổn định chăn nuôi và an toàn dịch bệnh. Thực hiện khai báo, cung cấp dữ liệu chăn nuôi theo đúng quy định.

Hướng dẫn người chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp… để chế biến các loại thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm. Quan tâm chính sách hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để thực hiện tăng đàn, tái đàn an toàn dịch bệnh.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi lợn, tăng đàn, tái đàn, chế biến và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm sản lượng thịt lợn hơi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương thực hiện đánh giá thực địa, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi như cây ngô sinh khối và các loại cây thức ăn chăn nuôi khác. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăn nuôi nói chung và đặc biệt là chăn nuôi lợn nhằm dự báo, cân đối cung cầu, gắn sản xuất với thị trường.