Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 5/1/2022 của UBND tỉnh Phú Yên về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng, chống, chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi và bổ sung các loại vitamin, chất điện giải cho gia súc.
Các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời rà soát kiểm tra toàn bộ các hộ chăn nuôi chung quanh các hộ có lợn bệnh, kịp thời xử lý không để dịch bệnh xảy ra diện rộng.
Đối với các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, chết do tiêm phòng vacxin dịch tả lợn châu Phi vừa qua, các địa phương tiến hành lập biên bản và xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật, không để người dân bán chạy lợn bệnh, đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi mỗi ngày 1 lần.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch tả lợn châu Phi, rà soát, kiểm tra toàn bộ các hộ chăn nuôi chung quanh hộ có lợn bệnh để điều tra dịch bệnh, nhằm phát hiện và nhanh chóng dập tắt các ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vaccine cho người dân. Tuy nhiên, trước mắt tạm ngưng cung ứng vaccine dịch tả lợn châu Phi đến khi có kết luận của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Cục Thú y kiểm tra triệu chứng và lấy mẫu lợn bệnh gửi xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh, cũng như hướng dẫn phác đồ điều trị lợn bệnh nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Cùng với đó, chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành xử lý các hộ chăn nuôi có lợn bệnh sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi như một ổ dịch theo quy định.
Trước đó, Báo Nhân Dân 24/8 đã phản ánh, sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa (Phú Yên) đã xảy ra hiện tượng hàng trăm con lợn bệnh, chết, nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng.
Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên nêu rõ: do nhu cầu đăng ký của người dân, trạm chăn nuôi và thú y các địa phương đã cung ứng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi. Từ ngày 4 đến 17/8, thú y cơ sở đã tiêm cho 756 con lợn từ 2 tháng tuổi trở lên. Sau khi tiêm từ 2-7 ngày, lợn bắt đầu phát bệnh với các triệu chứng như sốt, bỏ ăn, có con không đi lại được, cơ thể tím tái và chết. Đến nay, có 756 con mắc bệnh, trong đó đã chết 431 con.
Trước hiện tượng này, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cử đoàn công tác phối hợp tỉnh Phú Yên kiểm tra, bước đầu kết luận, tỉnh này không được lựa chọn, không có trong văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y về tiêm thí điểm.
Tuy nhiên, từ ngày 4 đến 17/8, tại các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên người dân mua 36 lọ vaccine (900 liều) về tự tiêm cho đàn lợn mà không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y. Do đó, có 89% con lợn phản ứng sau tiêm vaccine và gần một nửa số lợn được tiêm đã chết.
Hiện Đoàn công tác của Cục Thú y tiếp tục phối hợp các địa phương để nắm bắt tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh, cũng như phòng, chống dịch bệnh.