Quảng Ngãi: Đừng để vùng sáp nhập hành chính cấp huyện, xã “hụt hơi”

NDO - Sau hơn hai năm sắp xếp hành chính, huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi “gánh” thêm huyện Tây Trà cũ. Không còn trung tâm hành chính, đời sống, an sinh bà con ở huyện cũ khó khăn trăm bề. Chính sách, trợ lực đầu tư “hậu” sáp nhập cho các xã vùng xa xôi vẫn chưa được thực hiện, miền tây Quảng Ngãi một thời nhộn nhịp nay nguy cơ hoang hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Bưu điện trung tâm huyện Tây Trà, nay là Bưu cục 3 huyện Trà Bồng.
Bưu điện trung tâm huyện Tây Trà, nay là Bưu cục 3 huyện Trà Bồng.

Cán bộ về, khó khăn ở lại

Buổi sáng sớm, đàn bò lững thững đi lại trước cổng Bưu cục 3, xã Trà Phong vắng hiu bóng người. Bên trong khu nhà bưu cục, vợ chồng anh Lê Văn Biên và Nguyễn Thị Như Thanh bận rộn ngày làm việc mới. Thư từ, giao dịch hàng hóa, chuyển tiếp tiền chế độ, chính sách cho người dân, ký gửi hàng online… tất thảy công việc của bưu điện vợ chồng anh Biên lo toan. Nghỉ hè, con trai Biên lẽo đẽo theo sau nhìn ba mẹ bận rộn.

Bưu cục 3 xã Trà Phong vốn là trụ sở Bưu điện huyện Tây Trà cũ nay chỉ còn bốn người làm việc trong khu nhà rộng lớn. Nhiều năm trước, anh Biên làm việc ở huyện cũ. Nhập huyện, tinh giản biên chế, anh Biên nghỉ việc.

Quảng Ngãi: Đừng để vùng sáp nhập hành chính cấp huyện, xã “hụt hơi” ảnh 1
Dù làm hợp đồng khoán việc nhưng anh Lê Văn Biên đảm đương các phần việc của bưu điện cho 7 xã khu tây huyện Trà Bồng.

Chị Như Thanh gắn bó với ngành bưu điện miền núi nên bưu điện huyện “xóa sổ” chuyển thành bưu cục, Thanh vẫn bám trụ. Không an cư khó lạc nghiệp, anh Biên xin làm hợp đồng khoán việc 6 tháng ký một lần để gần vợ con. Vợ chồng anh Biên loay hoay lo tất việc bưu chính cho cả vùng miền núi rộng lớn. Cuộc sống vợ chồng anh như thanh niên xung phong đi rừng mươi lăm năm trước.

“Vợ chồng con cái ở cùng thì cũng an tâm công việc hơn, cơ quan cũng tạo điều kiện. Sắp tới gia đình dự tính cho con về thị trấn học cách ở đây 20km, hai vợ chồng phải thay nhau đi về. Mình mong được nhận vào làm ổn định hơn”, anh Lê Văn Biên trải lòng.

Chị Hồ Thị Nan ở thôn Vàng, xã Trà Tây còn nhớ mấy năm trước dự họp, xã tuyên truyền bà con chuyện nhập các xã về huyện Trà Bồng. Chị Nan và bà con ủng hộ địa phương và cố gắng làm ăn. Vợ chồng chị có hai sào rẫy và đi làm thuê, ngày công 130 nghìn đồng, bữa có bữa không.

Chị Nan chia sẻ: “Làm cỏ quế, làm keo ai kêu gì mình làm nấy. Trước đây, tiền công cao hơn nhưng mấy năm nay chủ rừng nói ít xe lên mua, keo khai thác chậm nên tiền công ít hơn”.

Cách trung tâm huyện Trà Bồng 40km, xã Trà Trung và Trà Thọ sáp nhập thành xã Trà Tây. Năm 2022, xã Trà Tây có hơn 700 hộ, trong đó 92 hộ cận nghèo, 440 hộ nghèo, tăng 109 hộ nghèo so với năm 2021. Ở nơi có 98% dân tộc thiểu số người Cor, tỷ lệ hộ nghèo 61% lại không có thu nhập căn cơ, dù cố gắng mấy chính quyền địa phương cũng khó giảm tỷ lệ dân nghèo như mong muốn.

Quảng Ngãi: Đừng để vùng sáp nhập hành chính cấp huyện, xã “hụt hơi” ảnh 2
Trung tâm hành chính huyện Tây Trà cũ, nay là xã Trà Phong, huyện Trà Bồng đang dần hoang hóa sau khi sắp xếp nhập huyện.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na, cho biết, hai năm qua, khi các chương trình 135, 30a kết thúc, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho vùng núi heo hút. Năm 2022, huyện giao xã chỉ tiêu 40 hộ thoát nghèo nhưng dù nỗ lực vận động cũng chỉ có 12 hộ đăng ký. “Huyện giao cho xã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9-12% nhưng Nghị quyết xã đặt mục tiêu giảm 4% mỗi năm đã khó thực hiện, nên mục tiêu huyện giao khó hoàn thành. Chúng tôi làm công tác vận động rất nhiều nhưng bà con không mạnh dạn đăng ký”.

Cần duy trì chính sách, nguồn lực đầu tư “hậu” sáp nhập

Sau hơn hai năm nhập huyện miền núi Tây Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tăng diện tích lẫn dân số. Tổng diện tích tự nhiên huyện Trà Bồng là 760 km2 và dân số gần 53.400 người, gần gấp đôi so với trước.

Là huyện nghèo trên cơ sở sáp nhập huyện Tây Trà cũ, huyện Trà Bồng đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ sau khi sáp nhập hành chính. Trong đó, kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ 1,5 đến hai lần đối với huyện mới sáp nhập và hai lần đối với các xã sáp nhập đơn vị hành chính.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số các xã sáp nhập; tiếp tục hỗ trợ 1,5 đến hai lần theo định mức hàng năm. Tuy nhiên chính sách, giải pháp phù hợp trợ lực cho các xã sáp nhập vẫn chưa thực hiện. Dù “gánh” thêm diện tích lẫn dân số nhưng ngân sách, vốn đầu tư cho huyện Trà Bồng giảm so với trước.

Năm 2019, tổng vốn xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển cho huyện Trà Bồng là 223 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn tỉnh phân khai hơn 130 tỷ đồng, ngân sách huyện 92 tỷ đồng. Năm 2020, tổng vốn xây dựng cơ bản 304 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn tỉnh 207 tỷ đồng, ngân sách huyện 97 tỷ đồng.

Năm 2021, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho huyện Trà Bồng chỉ còn 120 tỷ đồng, trong đó phân cấp ngân sách huyện 23 tỷ đồng. Năm 2022 vốn đầu tư xây dựng cơ bản giảm còn 106 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu 73 tỷ đồng, vốn phân cấp ngân sách huyện 25 tỷ đồng.

“Sau khi nhập hai huyện thành một thì nguồn vốn bố trí cho huyện tính bình quân không bằng huyện cũ trước đây”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Trà Bồng cho biết.

Theo định hướng phát triển vùng năm 2020-2025 đối với 7 xã, khu tây huyện Trà Bồng tập trung mở rộng diện tích quế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, trồng cây gỗ lớn kết hợp trồng dược liệu, thu hút đầu tư sinh thái nghỉ dưỡng…Nhưng hai năm qua, việc triển khai nghị quyết chuyên đề, hiện thực hóa qua các giải pháp, mô hình kinh tế còn chậm.

Ông Trương Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho rằng, chủ trương sáp nhập huyện, xã cán bộ, nhân dân chấp hành nhưng mong muốn được quan tâm phát triển như xưa. “Hai năm qua chưa có chương trình nông nghiệp, mô hình kinh tế vườn, nuôi trồng nào thật sự được triển khai cho bà con. Thủy lợi, mương bị trôi từ mưa bão năm 2020 chưa khôi phục. Bà con cũng còn ỷ lại, trông chờ nhưng chưa có chương trình nào hiệu quả nên khó thoát nghèo”.

Tổng số hộ nghèo huyện Trà Bồng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là hơn 6.000 hộ, chiếm tỷ lệ 42%. Người dân còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước nên thu nhập thấp, hộ nghèo giảm chậm. Sáp nhập về huyện Trà Bồng, nguồn vốn đầu tư hạn chế, cơ hội cho vùng cao Tây Trà cũ càng khép chặt, khó khăn dài hơn.

Những giải pháp căn cơ cho vùng hậu sáp nhập hành chính về đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành làng nghề, đào tạo nghề cho lao động trẻ về các khu công nghiệp cần được thực hiện để có thu nhập bền lâu cho dân. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã sáp nhập, hình thành vùng chuyên canh, mô hình trồng cây cải tạo đất, chăn nuôi để cải thiện thu nhập bền lâu hơn.

“Cần quan tâm vùng sâu, vùng xa khi đã nhập huyện. Bảo dưỡng, mở rộng đường sá; tăng cường giao thương hàng hóa; sửa chữa thủy lợi bà con mới trồng trọt làm ăn được” - Ông Hồ Xuân Nghĩa, nguyên cán bộ xã Trà Phong trăn trở.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo cho biết, mục tiêu của huyện đến năm 2030 là thoát nghèo nhưng để thực hiện rất khó khăn. “Bà con nhiều tâm tư sau khi sáp nhập huyện, xã. Huyện cũng đã kiến nghị với Tỉnh ủy, ngành chức năng về hỗ trợ vốn đầu tư công 1,5 đến hai lần đối với huyện, xã mới sáp nhập; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, sinh kế cho dân các xã sáp nhập nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Quảng Ngãi: Đừng để vùng sáp nhập hành chính cấp huyện, xã “hụt hơi” ảnh 3

Nhiều trụ sở, phòng làm việc của huyện cũ bỏ hoang, xuống cấp lãng phí.

Các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021 nhằm mục tiêu hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính tinh gọn, hiệu quả, góp phần phát huy nguồn lực, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập hành chính huyện, xã, cần có những chính sách phù hợp trợ lực cho các huyện, xã trong thời gian đầu để các vùng không bị “hụt hơi”. Đây là bước đệm, liên kết cần thiết giúp địa phương củng cố, duy trì ổn định kinh tế-xã hội tiếp bước cho giai đoạn mới.