Quảng Nam phải gắn phát triển thủy điện với bảo vệ môi trường

NDO - NDĐT- Quảng Nam là một trong những tỉnh ở khu vực miền trung - Tây Nguyên có chủ trương đầu tư phát triển thủy điện khá sớm. Điều dễ nhận thấy là, từ khi các nhà máy thủy điện được xây dựng đã làm cho diện mạo các huyện miền núi của tỉnh trong những năm gần đây thay đổi hẳn. Các dự án thủy điện đã mang đến cho chính quyền và người dân ở địa phương nhiều niềm vui, nhưng cũng lắm nỗi băn khoăn, lo lắng…

Theo số liệu từ Sở Công thương cung cấp: Đến cuối tháng 11-2011, toàn tỉnh có 43 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất gần 1.580 MW, điện lượng khoảng 6,254 tỷ kW giờ/năm. Trong đó, có 10 dự án thủy điện lớn nằm dọc trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt, với tổng công suất 1.141MW, điện lượng 4,518 tỷ kW giờ/năm; chiếm 72% công suất thủy điện toàn tỉnh. Được biết, sau một thời gian triển khai, hiện có chín nhà máy đưa vào hoạt động, với công suất hơn 520 MW; 10 dự án đang xây dựng, với công suất 631MW; 12 dự án đang gấp rút hoàn thành các thủ tục chuẩn bị khởi công và chín dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư...và còn lại ba dự án đang nằm trong diện rà soát, xem xét.

Điều dễ nhân thấy là, từ khi có các dự án thủy điện được triển khai và đi vào hoạt động đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho miền núi. Nhiều tuyến đường giao thông ở khu vực nhà máy đóng chân được xây dựng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, nhất là góp thêm nguồn điện đáng kể cho quốc gia. Thế nhưng, qua phát triển thủy điện đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, đất ở và đất rừng bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện; công tác tái định cư (TĐC) tại nhiều dự án chưa được tính toán kỹ, cho nên đã ảnh hưởng đời sống, tập quán của người dân.

Vấn đề nổi lên làm chính quyền địa phương đang đau đầu là công tác TĐC, bố trí đất sản cho người dân còn nhiều bất cập. Phần lớn, các điểm TĐC đều thiếu đất sản xuất, hoặc có đất nhưng cằn cỗi, cách trở và quá xa nhà ở của người dân. Mặt khác, công tác hướng dẫn sản xuất cho đồng bào TĐC chưa được quan tâm đúng mức; đời sống văn hóa bị xáo trộn, một số phong tục truyền thống có nguy cơ mai một. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn cho biết: Tại xã Trà Bui hiện có hàng chục hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 từ hai, ba năm rồi vẫn chưa bố trí đất để sản xuất, cho nên người dân trong diện TĐC đành phải phát rừng làm rẫy; và đã nhiều gia đình bỏ nhà đi sâu vào rừng tìm nơi ở mới. Bà Hồ Thị Hà, một người dân ở xã Trà Bui phân trần: Khi làm thủy điện Sông Tranh 2, gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân được bố trí vào khu TĐC nhưng lại không bố trí đất sản xuất, nên người dân không có cách nào khác hơn là phải phá rừng làm rẫy để trang trải cái ăn qua ngày.

Qua làm việc với các cơ quan chức năng của và tìm hiểu thực tế từ các địa phương có công trình thủy điện đang triển khai, chúng tôi được biết, tỉnh đã có chủ trương đề nghị các chủ đầu tư phải trồng lại diện tích rừng bị mất do làm công trình thủy điện, tuy nhiên việc trồng lại rừng khó thực hiện được. Tại nhiều dự án khi lấy đất nhà ở, đất sản xuất làm lòng hồ, làm đường xong, không còn đủ đất để bố trí khu TĐC và đất sản xuất cho dân thì lấy đất đâu để trồng rừng ? Ông Phạm Thanh Lâm, Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh cảnh báo, chuyện làm thủy điện mất rừng đã rõ và việc trồng lại rừng là đương nhiên. Nhưng nếu không tính toán kỹ lưỡng, quy hoạch chu đáo và không triển khai bài bản, rạch ròi dễ dẫn đến tình trạng “chặt phá cây lớn để trồng lại cây con” thì lúc đó, rừng tự nhiên có nguy cơ bị tiếp tục tàn phá một lần nữa là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT bộc bạch: Khi lập dự án đầu tư thủy điện, các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã đưa ra nhiều mục tiêu của công trình, nào là góp phần ngăn lũ trong mùa mưa, điều tiết nước sinh hoạt trong mùa hè. Nhưng trong thực tế, các chủ đầu tư đều lấy hiệu quả phát điện là chính; nên thường xả nước vận hành máy phát điện trong từng thời điểm và từng giai đoạn nhất định, chưa quan tâm đến nguồn nước vì lợi ích chung của cộng đồng. Còn nhớ, trong mùa mưa năm 2009, do nhà máy thủy điện xả lũ ngay trong khi mực nước sông ở vùng hạ du đang dâng cao, đã làm cho hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu trong nước; hàng trăm hộ dân ở huyện Đại Lộc “kêu trời” không thấu vì nước lũ mang theo bùn đất vùi lấp nhà ở, ruộng vườn…Ông Quang cho biết thêm, từ khi làm các công trình thủy điện ở phía tây, mùa hè nhiều con sông bị cạn nước; tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng ở vùng hạ du đến sớm hơn và cũng kéo dài; đã làm cho nước mặn thâm nhập sâu đồng ruộng.

Phát triển thủy điện phải hướng đến lợi ích cộng đồng

Khi trao đổi với chúng tôi về các dự án thủy điện, các ông: Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Sở Công thương; Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đều cho rằng: Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện. Phát triển thủy điện sẽ tạo bước phát triển mới cho người dân, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía tây của tỉnh. Nhưng phải tính toán thật kỹ và nên đầu tư xây dựng bao nhiêu nhà máy là vừa; chứ không khéo sẽ biến rừng tự nhiên thành rừng…nhà máy thủy điện và rừng…dây điện chằng chịt. Bởi trong thực tế, khi triển khai các dự án thủy điện đều phải tác động đến rừng và đất rừng. Theo ông Công nhẩm tính, thời gian qua, khi các dự án thủy điện triển khai xây dựng đã nhấn chìm và “ngốn hết” khoảng 10 nghìn ha rừng. Đấy là nói về rừng, còn về môi trường qua phát triển thủy điện cũng đã gây nên những thay đổi ở vùng hạ du. Hiện nay, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, tuy mới chỉ có ba dự án thủy điện xây dựng xong, bắt đầu tích nước, phát điện. Nhưng đã tác động đến dòng chảy và đã làm thay đổi chế độ thủy văn của lưu vực các sông, gây ảnh hưởng trực tiếp hệ sinh thái, mực nước ở vùng hạ lưu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thừa nhận: Quảng Nam đã thấy được những vấn đề nảy sinh trong phát triển thủy điện. Các dự án thủy điện được triển khai, khi các nhà máy đi vào hoạt động đã tạo cho địa phường nhiều cơ hội mới trong quá trình phát triển, nhưng chính việc phát triển thủy điện đã làm phát sinh những khó khăn, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. Do vậy, từ sau trận lũ năm 2009, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành liên quan của tỉnh phối hợp các địa phương rà soát lại 63 dự án thủy điện trên địa bàn và qua đó đã mạnh dạn thu hồi, hủy bỏ 15 dự án không khả thi và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chủ trương của tỉnh Quảng Nam là tiếp tục phát triển thủy điện nhưng phải theo hướng bền vững. Do vậy, đối với những dự án đã được phê duyệt, nhưng nếu ảnh hưởng xấu đời sống nhân dân, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và phá vỡ môi trường sinh thái thì sẽ tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ.

Và để phát triển thủy điện một cách bền vững, sắp đến, các địa phương và các chủ đầu tư cần hết sức chú trọng công tác TĐC; trong đó khi thực hiện TĐC phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phù hợp phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người dân; phải bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng phải được thực hiện hoàn chỉnh mới tiến hành khởi công công trình thủy điện. Đầu tư xây dựng các dự án thủy điện bảo đảm theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả và phải gắn liền với công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội. Vì vậy, các địa phương và chủ đầu tư cần sớm xây dựng phương án ổn định và phát triển sản xuất; có trách nhiệm hướng dẫn, ưu tiên hỗ trợ về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trong các khu TĐC; đồng thời tăng cường công tác quản lý, xử lý dứt điểm các vụ việc, chấm dứt tình trạng lợi dụng làm thủy điện để phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Mặt khác, các cơ quan chức năng của tỉnh phải làm việc với các chủ đầu tư cùng các địa phương khẩn trương quy hoạch, bố trí đất và triển khai trồng rừng để bù lại diện tích rừng bị mất do làm thủy điện. Đồng thời phải thực hiện quy trình vận hành hồ và liên hồ một cách nhịp nhàng, khoa học nhằm vừa cung cấp nguồn điện cho quốc gia vừa tham gia cắt lũ và điều tiết nguồn nước để bảm bảo cuộc sống và sản xuất cho người dân khu vực hạ du.