Quảng Nam khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Quảng Huế

NDO - Trong những ngày qua, trời đã ngớt mưa, nhưng nước trên sông Quảng Huế đoạn qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn còn đang chảy siết, tiếp tục gây sạt lở đất sản xuất và đe dọa đến nhà ở, khiến người dân sống ven sông lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Bờ sông Quảng Huế sạt lở nghiêm trọng.
Bờ sông Quảng Huế sạt lở nghiêm trọng.

Tình trạng sạt bờ kè sông Quảng Huế, đoạn chảy qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An (huyện Đại Lộc) xảy từ mùa mưa lũ năm 2020, làm sạt lở cuốn trôi bờ kè dài khoảng 300m, lấn sâu vào bờ hơn 50m và tiếp tục sạt lở trong mùa lũ năm 2021, gây ảnh hưởng đến 1,5ha đất sản xuất và có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân và công trình điện trung thế.

Sạt lở bờ kè, đe dọa nhà dân

Chuyện sạt lở bờ kè sông tại thôn Phú Nghĩa (xã Đại An) đã được cảnh báo từ 2 mùa mưa lũ trước, nhưng do chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời từ các cơ quan chức năng, nên từ sau các cơn bão số 4 và số 5 đến nay, nước lũ tiếp tục làm sạt lở, lấn sâu vào bờ với tốc độ sạt lở ngày càng nhanh và nghiêm trọng, làm cuốn trôi hơn 3ha đất sản xuất nông nghiệp và uy hiếp đến các hộ dân đang sinh sống tại khu vực ven sông.

Ông Ngô Sung có nhà ở gần khu vực sạt lở ở thôn Phú Nghĩa cho biết, trong năm 2020-2021, khu vực này sạt lở khoảng 7-8 sào mà đến giờ, diện tích đất sạt lở tăng lên gấp 2, 3 lần rồi. “Người dân thôn Phú Nghĩa chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp mà mất đất sản xuất thì rơi vào khó khăn, lo lắng... nên rất mong chính quyền các cấp có phương án khắc phục sạt lở cũng như hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Sung chia sẻ.

Còn ông Ngô Đình Nguyện, Trưởng thôn Phú Nghĩa cho rằng, trước đây, người dân sống ở khu vực này bình yên, nhưng gần đây, do ngăn chặn dòng sông, nhằm đưa nước về thành phố Đà Nẵng trong mùa khô khiến bờ kè bị sạt lở, gây mất đất sản xuất và đe dọa đến khu dân cư. Hiện, có 7 hộ dân đang nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở với điểm gần nhất tầm 10m, xa nhất khoảng 15-20m.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại An Đỗ Văn Hòa cho biết, vào mùa mưa lũ, sự chênh lệch dòng chảy đã gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bờ sông Quảng Huế. Mới đây, sau các đợt mưa lớn trong 2 cơn bão số 4 và số 5, tình trạng sạt lở diễn ra mạnh hơn. Đến nay, không chỉ mất đất sản xuất mà đã có 1 trụ điện bị tụt xuống sông và đang đe dọa đến 2 trụ điện và đường dây trung thế chạy ngang qua khu vực này.

Quảng Nam khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Quảng Huế ảnh 1

Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo người dân.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tình trạng xâm thực bờ sông Quảng Huế tại thôn Phú Nghĩa chưa có dấu hiệu dừng lại. Mỗi ngày, lòng sông khoét sâu vào bờ khoảng tầm 3-5m. Hiện 2 trụ điện trung thế cách mép nước khoảng 5m và có nguy cơ sụt ngã đổ, gây thiệt hại về tài sản và làm ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc.

Sớm có giải pháp khắc phục căn cơ

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn cho biết, trước tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế ngày càng nghiêm trọng, ngày 19/10, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện cùng các ngành chuyên môn và địa phương kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án xử lý khắc phục tạm thời.

Theo đó, giao Ban Quản lý dự án và Trật tự xây dựng huyện phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Ủy ban nhân dân xã Đại An huy động các trang thiết bị, dụng cụ và 200 chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng với người dân địa phương vận chuyển các bao tải cát tạo thành chân móng, liên kết bằng cọc tre và gia cố mái bằng bao cát hoặc vải địa kỹ thuật xếp lớp để giữ mái chống xói lở tạm thời.

Trước đó, ngày 18/10, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã cử tổ công tác trực tiếp kiểm tra hiện trường; đồng thời chỉ đạo UBND xã Đại An, Ban nhân dân thôn Phú Nghĩa thực hiện phương án sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân, với khoảng hơn 30 nhân khẩu và những tài sản có giá trị ngay trong đêm 18/10 đến nơi an toàn để bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo ông Mẫn, với thực trạng sạt lở và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tại khu vực thôn Phú Nghĩa, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân nơi đây, nên cần phải khẩn trương khảo sát, có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để tình trạng này.

Ngày 19/10, Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam sớm có kế hoạch kiểm tra và có hướng chỉ đạo xử lý khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực trên một cách căn cơ. Hiện, chính quyền địa phương đã giăng dây và lắp biển cảnh báo, cấm người và phương tiện đến điểm sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Phó Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đinh Văn Bảo cho biết, sau khi nhận được Báo cáo số 360/BC-UBND ngày 19/10 của Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc về tình hình sạt lở khẩn cấp bờ kè sông Quảng Huế tại thôn Phú Nghĩa xã Đại An (huyện Đại Lộc), Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu sớm giải quyết, khắc phục tình hình hình sạt lở, ổn định đời sống nhân dân tại khu vực bị sạt lở.

Theo ông Vũ, liên quan đến vụ sạt lở này, trước đó, ngày 14/7/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 4573/UBND-KTN chỉ đạo về việc xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An (huyện Đại Lộc).

Quảng Nam khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Quảng Huế ảnh 2

Huy động lực lượng, phương tiện tạo bờ kè ngăn chặn sạt lở bờ sông Quảng Huế.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng nam Trương Xuân Tý cho biết, các đợt mưa lũ lớn vừa qua, không chỉ gây thiệt hại tại bờ sông Quảng Huế mà còn gây thiệt hại về người và tài sản ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua; đồng thời rà soát, chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với các đợt thiên tai thời gian đến.

Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai mới, nhanh chóng khắc phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Đối với vụ sạt lở đất tại bờ kè sông Quảng Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân sạt lở, sớm đề xuất các giải pháp khắc phục căn cơ, đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đất, ổn định cuộc sống lâu dài cho người vùng bị hưởng ở khu vực ven sông.