Nghị quyết này quy định cụ thể mức chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho các hình thức đào tạo, bồi dưỡng sau: Lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên môn được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các trường hợp như: Được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ và tương đương; người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tương đương; công chức, viên chức lĩnh vực y tế được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II.
Hỗ trợ đào tạo lý luận chính trị được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị và hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị.
Cụ thể, tỉnh hỗ trợ đào tạo chuyên môn đối với những người đào tạo trong nước là 50% học phí đào tạo tiến sĩ và tương đương (trường hợp là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% học phí); đồng thời hỗ trợ sinh hoạt phí: 30 triệu đồng/người/khóa; làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp: 10 triệu đồng/người/khóa.
Hỗ trợ 50% học phí đào tạo thạc sĩ và tương đương; sinh hoạt phí: 20 triệu đồng/người/khóa; làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp: 5 triệu đồng/người/khóa.
Đối với những người đào tạo ở nước ngoài thì được hỗ trợ 100% học phí và các chi phí bắt buộc khác theo thông báo của cơ sở đào tạo (bao gồm cả thời gian học dự bị nếu có) và hỗ trợ 100% sinh hoạt phí theo mức quy định...
Theo nghị quyết này, những người đi đào tạo lý luận chính trị được hỗ trợ 100% học phí; đồng thời còn hỗ trợ sinh hoạt phí. Cụ thể, đối với hệ tập trung: Ngoài mức hỗ trợ hằng tháng do các cơ sở đào tạo chi trả theo quy định hiện hành, được hỗ trợ thêm: Cao cấp lý luận chính trị và hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội: 1,5 triệu đồng/người/tháng; cao cấp lý luận chính trị và hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Đà Nẵng: 1 triệu đồng/người/tháng và trung cấp lý luận chính trị tại Quảng Nam: 700.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp các đối tượng nêu trên là nữ, là người dân tộc thiểu số đi học cao cấp, hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội, Đà Nẵng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng; trung cấp lý luận chính trị tại Quảng Nam được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người/tháng. Trường hợp đối tượng vừa là nữ, vừa là người dân tộc thiểu số thì được hưởng hai lần mức hỗ trợ tại quy định này.
Đối với hệ không tập trung: Cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội: 12 triệu đồng/người/khóa; hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội: 6 triệu đồng/người/khóa; cao cấp lý luận chính trị tại Đà Nẵng: 8 triệu đồng/người/khóa; hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Đà Nẵng: 4 triệu đồng/người/khóa; cao cấp lý luận chính trị tại Quảng Nam: 5,6 triệu đồng/người/khóa và trung cấp lý luận chính trị tại Quảng Nam: 4,2 triệu đồng/người/khóa.
Trường hợp các đối tượng nêu trên là nữ, là người dân tộc thiểu số đi học cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội, Đà Nẵng được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/người/khóa; hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội, Đà Nẵng được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người/khóa; cao cấp, trung cấp lý luận chính trị tại Quảng Nam được hỗ trợ thêm 1,8 triệu đồng/người/khóa.
Trường hợp đối tượng vừa là nữ, vừa là người dân tộc thiểu số được hưởng hai lần mức hỗ trợ tại quy định này.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định pháp luật.
Và nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định pháp luật.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Đề án số 10-ĐA/TU (ngày 30/3/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, các quy định pháp luật có liên quan; mục tiêu, yêu cầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để tổ chức thực hiện nghị quyết.
Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan quy định cụ thể về ngành nghề đào tạo gắn với vị trí việc làm, điều kiện được hưởng hỗ trợ; quy định chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm hoặc không làm việc đủ thời gian cam kết và các quy định khác có liên quan.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2023 và thay thế Nghị quyết số 52/2018/NQ-HĐND (ngày 6/12/2018) của Hội đồng nhân dân tỉnh.