Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự chăm chỉ làm ăn và biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở tỉnh Gia Lai đã ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nay Hoa (bên phải) là người Jrai đầu tiên phát triển đàn dê với quy mô lớn ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai.
Ông Nay Hoa (bên phải) là người Jrai đầu tiên phát triển đàn dê với quy mô lớn ở xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai.

Đang chờ nhân công bốc mía lên xe, anh Đinh Văn Vên (làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) cho biết, đây là lúc cao điểm của vụ thu hoạch cho nên anh rất ít khi về nhà. Theo anh Vên, niên vụ năm 2022-2023, gia đình cùng với người thân, họ hàng góp vốn đầu tư 20ha mía nguyên liệu.

Với năng suất bình quân hơn 70 tấn/ha, giá thu mua 1.050.000 đồng/tấn, cộng với tiền vận chuyển, mỗi năm, gia đình anh có thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng. Cũng theo anh Vên, những năm gần đây, giá mía khá ổn định, người trồng mía thu lợi 40 triệu - 50 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí, nhờ vậy cuộc sống của người trồng mía, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có của ăn, của để.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang cạnh rẫy mía đang thu hoạch, anh Yang Minh Ngợi (làng Mơ Hven Ôr, xã Kông Lơng Khơng) cho biết, từ đầu vụ đến nay, anh lo thu hoạch mía của những hộ mà mình đã bỏ vốn đầu tư.

Năm ngoái, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng mua xe tải để vận chuyển mía cho gia đình và những hộ được anh ứng vốn đầu tư ban đầu. Đổi lại, đến cuối vụ, họ thuê anh chở mía, hoàn trả tiền đã ứng. Theo anh Ngợi, bình quân 1ha thu được hơn 60 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình thu được từ 300 triệu đến 400 triệu đồng.

Ông Trịnh Xuân Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kông Lơng Khơng cho biết, thời gian qua, Hội luôn tạo điều kiện để bà con học hỏi, tham quan các mô hình phát triển kinh tế, nhờ đó trên địa bàn ngày càng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao với mức thu nhập từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Ba Na đã thể hiện ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Anh Đinh Khek, dân tộc Ba Na, sống tại làng T’kăt (xã Đăk Kơning, huyện Kông Chro) là một điển hình trong việc thoát nghèo. Năm 2008 anh Khek lập gia đình, do gia cảnh khó khăn nên hai vợ chồng ở nhờ bên ngoại. Đến năm 2010, vợ chồng anh Khek ra ở riêng. Mặc dù có đất cha mẹ cho nhưng anh Khek không biết trồng cây gì nên để cỏ mọc hoang.

Sau này, được dự nhiều lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và được đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế, anh Khek đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mua bò sinh sản về nuôi. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn bò của anh Khek nhanh chóng phát triển. Không dừng lại ở đó, anh Khek tiếp tục đầu tư mua thêm bò, dê phát triển thành đàn; đào ao thả cá; khai hoang đất trồng lúa.

Đến nay, gia đình anh có 22 con bò, 40 con dê sinh sản, 2 ao cá, 1ha lúa, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Để giúp bà con thoát nghèo, anh Khek giao bò, dê của mình cho người dân tộc thiểu số nuôi; sau khi bò, dê sinh sản, bà con và anh Khek sẽ chia đôi. Nhờ vậy, nhiều gia đình trong làng đã dần có của ăn, của để, ổn định hơn.

Gương điển hình thanh niên Ksor T’lía, người dân tộc Jrai, sinh sống tại buôn Pan (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) được bà con yêu mến bởi anh đã vượt khó vươn lên làm giàu, thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo trong làng.

Trước đây, gia đình anh Ksor T’lía thuộc hộ nghèo, khi lập gia đình phải ở tạm trong căn nhà 15m2 tranh tre, vách nứa trên phần đất của bố mẹ cho. Từ sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức Đoàn, sau khi tiếp thu kiến thức sản xuất, kinh doanh qua các lớp tập huấn, Ksor T’lía mạnh dạn mượn đất bố mẹ, vay tiền mở cửa hàng tạp hóa nhỏ kết hợp bán hàng và làm điểm thu mua nông sản trong vùng.

Anh Ksor T’lía cho biết, là Bí thư đoàn xã, mình phải gương mẫu để không phụ sự tín nhiệm của tổ chức và đoàn viên, thanh niên. Nhiều thanh niên trong xã có sức khỏe nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức..., mình nhiệt tình hỗ trợ để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Hiện gia đình Ksor T’lía đang có cuộc sống khá giả ở xã Ia Rsai với hai cửa hàng tạp hóa trong làng, hai xe ô-tô chở hàng, một đại lý thu mua nông sản, 8ha sắn xen canh trong vườn điều, thu nhập bình quân hằng năm ước khoảng 500 triệu đồng…

Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Gia Lai có 13.725 người được hỗ trợ dạy nghề miễn phí, trong đó, có 94% lao động là người dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu tạo việc làm mới cho 70% số lao động người dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo nghề.

Hiện đơn vị đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số; cùng với đó ban hành chính sách ưu đãi, thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP số tiền hơn 47 tỷ đồng, với 965 hộ vay. Riêng 5 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân cho 43 hộ vay, với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai Đinh Văn Nghĩa cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát kế hoạch của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa mạnh dạn vay vốn, hưởng ưu đãi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.