Đột phá từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Quảng Nam

Trong những năm qua, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, nhưng nhờ triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nên tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả khá ấn tượng trong phát triển kinh tế sau đại dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Chu Lai được đầu tư xây dựng.
Cảng Chu Lai được đầu tư xây dựng.

Ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Nam đã huy động tối đa các nguồn lực gắn với thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân.

Tổng thu ngân sách tăng cao

Ðiều dễ nhận thấy là ngay khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, Quảng Nam đã có những động thái tích cực, cụ thể, thiết thực trong mở cửa du lịch, tái cấu trúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðáng chú ý, tỉnh đã chủ động đăng cai và tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2022, với chủ đề "Quảng Nam-Ðiểm đến du lịch xanh". Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Hồng bộc bạch, các sự kiện, hoạt động được tổ chức trong Năm Du lịch quốc gia 2022 đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến Quảng Nam sau hơn 2 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19. Theo thống kê, năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam ước đạt hơn 4,7 triệu lượt (tăng 13 lần so cùng kỳ năm 2021); trong đó, khách quốc tế ước đạt 634 nghìn lượt (tăng 36 lần), khách nội địa ước đạt hơn 4 triệu lượt (tăng 12 lần); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt hơn 8.633 tỷ đồng (tăng 32,4%)…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, cùng với triển khai, thực hiện hiệu quả các sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia, Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đồng chí Lê Trí Thanh, năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 36.034 tỷ đồng, tăng 19,1% so cùng kỳ năm ngoái; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 24,5% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 185%, sản xuất xe có động cơ tăng 54%, sản xuất đồ uống tăng 35,7%... Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt hơn 69.110 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,2% (cao hơn 5,4% so năm 2021), vượt 3,7% so chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh giao; đứng vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, 4/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) năm 2022 hơn 116.374 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 13,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, trong đó công nghiệp chiếm 28,9%; khu vực thương mại-dịch vụ chiếm 31,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 20%; GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, tăng 12,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3,8 triệu đồng/ tháng (tăng 4,7% so năm 2021). Ðáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán (tăng 40,1% so cùng kỳ 2021); trong đó, thu nội địa ước đạt 25.210 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán (tăng 28,8%); thu xuất nhập khẩu ước đạt 6.934 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán (tăng 106,3% so cùng kỳ 2021).

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhìn nhận, năm 2022, dù thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song tỉnh đã đạt những kết quả khá ấn tượng. Ðây là năm đầu tiên, đạt 16/16 chỉ tiêu theo nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung ở một số địa phương còn chậm; việc quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản… còn hạn chế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa bảo đảm kế hoạch. Do vậy, để tháo gỡ các "điểm nghẽn" này, tại kỳ họp mới đây, Tỉnh ủy đã đề ra 16 chỉ tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện đồng bộ trong năm 2023.

Với chủ đề "Tập trung phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", năm 2023, Quảng Nam tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động tối đa nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hoàn thành quy hoạch tỉnh, các quy hoạch không gian quan trọng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số đồng bộ; cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ðồng thời, tỉnh thực hiện hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá chiến lược; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị; phát triển hệ thống cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics; quy hoạch cảng biển Chu Lai thành cảng biển quốc gia; khẩn trương xây dựng và hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng của Trung ương và của tỉnh; hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện tỉnh đang xúc tiến xây dựng Ðề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh thành một đơn vị hành chính; từng bước mở rộng không gian đô thị, xây dựng thành phố Tam Kỳ thành đô thị sinh thái, thông minh và trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Ngoài ra, Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng thành phố Hội An trở thành thành phố văn hóa-sinh thái-du lịch.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, Quảng Nam sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với quá trình tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp gắn với đào tạo nghề nghiệp, xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp, bảo hiểm xã hội; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giảm dần khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, miền...