Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam 

Cách đây tròn 550 năm (năm 1471), Vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt với tên gọi Quảng Nam Thừa Tuyên đạo. Từ đây, danh xưng Quảng Nam ra đời với vai trò là một đơn vị hành chính. Trải qua nhiều đổi thay về địa giới, sáp nhập và chia tách, nhưng danh xưng Quảng Nam với ý nghĩa “Mở rộng về phương Nam” có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển một vùng đất rộng lớn, kéo dài từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Định ngày nay. 

Một góc thành phố Tam Kỳ.
Một góc thành phố Tam Kỳ.

Một chặng đường, nhiều dấu ấn

Quảng Nam là mảnh đất tiêu biểu cho khí phách hiên ngang của một dân tộc anh hùng. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chưa đầy hai tháng, ngày 28/3/1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, là một trong những Đảng bộ ra đời sớm nhất trong cả nước. Đây là sự kiện có bước ngoặt lịch sử, đánh dấu một mốc son sáng ngời, mở ra một thời kỳ đấu tranh của nhân dân trong tỉnh theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo. Quân và dân Quảng Nam đã cùng cả nước đồng tâm, đồng lòng, cùng một ý chí, đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, xả thân vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử của mảnh đất Quảng Nam anh hùng luôn khắc ghi công ơn to lớn của hơn 33.000 thương binh, bệnh binh, 65.464 Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho đất nước, 15.315 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; đó là những minh chứng khẳng định chủ nghĩa yêu nước cách mạng, truyền thống yêu nước sáng ngời của quê hương Quảng Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Thời kỳ này, Quảng Nam-Đà Nẵng là tỉnh đi đầu thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng công trình đại thủy nông, tiêu biểu như: Phú Ninh, Khe Tân, Cao Ngạn; cùng với đó, hình thành các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khu kinh tế, khu công nghiệp... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh từng bước được cải thiện.

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam chính thức được tái lập vào ngày 1/1/1997; 25 năm qua, Quảng Nam đã chủ động, sáng tạo trong tư duy, đổi mới và có sự phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay, Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền trung và trong nhóm tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Quy mô kinh tế tăng hơn 40 lần; trong đó, công nghiệp-dịch vụ chiếm hơn 86% trong cơ cấu kinh tế. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 68 triệu đồng, gấp 36 lần so với năm 1997. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, năm 2021, thu ngân sách ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng (vượt 34% dự toán Trung ương giao) gấp hơn 200 lần so năm đầu tái lập tỉnh; trong đó, thu nội địa ước đạt 19.400 tỷ đồng (vượt 33,7% so với dự toán Trung ương giao).

Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước -0
Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Sê Kông (Lào) cắt băng khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang-Đắc Tà Oọc. Ảnh: TẤN NGUYÊN 

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển vùng Đông Nam với các đô thị sinh thái, làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô-tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hình thành và đi vào hoạt động trên những vùng cát trắng khô cằn trước đây đã tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế. Diện mạo khu vực trung du, miền núi từng bước thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp; kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc; các gia đình, người có công với cách mạng luôn được chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước.

Vươn lên thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và những thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam tiếp tục ra sức nỗ lực, phấn đấu khắc phục những bất cập, hạn chế; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để tạo bước chuyển mạnh mẽ nhằm xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 đã đề ra.

Để đạt được các mục tiêu đó, những năm tới, tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và công tác dân vận của Đảng.

Thứ hai, tập trung đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, đó là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du, miền núi. Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy cơ chế mở làm đột phá xuyên suốt, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước. Cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ-du lịch. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững, tạo sự chuyển biến tích cực đến cuộc sống của người dân ở nông thôn.

Thứ tư, phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Quảng Nam, làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ năm, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương đất Quảng anh hùng, cùng với những thành quả đã được bồi đắp, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, tin tưởng rằng, trên chặng đường sắp tới, với ý chí, niềm tin và khát vọng đổi mới, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đoàn kết một lòng, đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.