Quảng Nam đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

NDO - So với các năm trước, việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được thực hiện sớm hơn. Thế nhưng, tiến độ triển khai thi công các dự án đầu tư công tại địa phương này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh.

Tính đến ngày 31/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các ngành và các địa phương 7.160.248 tỷ đồng, đạt 92%; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.988.099 triệu đồng (đạt 99%); vốn ngân sách địa phương 4.172.149 triệu đồng (đạt 85%)…

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến hết ngày 31/3, tổng kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân 834.472 triệu đồng, đạt 11,2% so với kế hoạch tỉnh giao và đạt 12,7% so với kế hoạch vốn năm 2023 Trung ương giao; trong đó, nguồn vốn các dự án do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh đã giải ngân 310.358 triệu đồng và nguồn vốn các dự án do địa phương quản lý đã giải ngân 524.114 triệu đồng.

Đáng nói, có nhiều nguồn giải ngân đạt rất thấp, cụ thể như: Vốn hỗ trợ các Chương trình mục tiêu quốc gia tỷ lệ giải ngân đạt 1,4%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 1,6%; Vốn hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giải ngân đạt 2,7%; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 2,8%... Riêng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tỷ lệ giải ngân: 0%!?...

Theo lý giải của các cơ quan chức năng của tỉnh, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 không đạt tiến độ đề ra là do các đơn vị, địa phương lo thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 và tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ; nhất là công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc.

Cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn. Nhiều địa phương cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1

Khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn trên tuyến đường ven biển nối từ Hội An đến Núi Thành.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho biết, trong 2 năm: 2022 và 2023, Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, cho phép mở rộng và điều chỉnh lại các khúc cua trên các tuyến đường hiện có trên địa bàn huyện, nhưng khi triển khai thì vướng đến rừng phòng hộ, nên cả 7 tuyến đường phải tạm dừng thi công.

“Việc mở rộng đường bị vướng đất rừng, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất với các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn gặp khó khăn”, ông Lê Thanh Hưng bày tỏ.

Còn Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài bộc bạch, các dự án đầu tư công tại địa phương không phải vướng mắc giải phóng mặt bằng mà do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Thời gian qua, trên địa bàn có hai mỏ cát còn thời hạn khai thác nhưng đều đóng cửa, dẫn đến thiếu nguồn vật liệu xây dựng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thi công và giải ngân vốn các dự án đầu tư công.

Tháo gỡ ách tắc trong giải ngân

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, để tháo gỡ những ách tắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, sắp đến, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công còn lại năm 2023.

Kế hoạch vốn năm 2023, còn lại chưa phân bổ 618.517 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 33.574 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương 584.944 triệu đồng.

Cùng với việc phân bổ nguồn vốn kịp thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành và các địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời yêu cầu Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công khẩn trương tổ chức kiểm tra hiện trường dự án tại các địa phương về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, thực trạng vật liệu xây dựng thực hiện các dự án… trên cơ sở đó tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân cao.

Các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án, phân công cụ thể cá nhân chịu trách nhiệm về công tác giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng hơn nữa việc đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các dự án chậm tiến độ; khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công xây dựng các dự án, công trình theo kế hoạch, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn năm 2023 theo quy định; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Quang lưu ý, các sở, ban, ngành, địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan về đầu tư dự án theo đúng quy định; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn được giao triển khai thực hiện dự án theo đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, không để xảy ra lãng phí trong đầu tư và nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung theo dõi, đôn đốc, triển khai đẩy nhanh tiến độ của dự án, bảo đảm kịp thời giải ngân hết kế hoạch vốn.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục thực hiện các dự án bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2023 theo đúng quy định.

Quảng Nam xác định, một trong nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2 này là tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm nhằm vừa tăng tốc độ giải ngân, phát huy hiệu quả đồng vốn; vừa tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Quảng Nam đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường (người đội mũ cối bộ đội) tặng quà, động viên các đơn vị thi công cầu An Bình (bắc qua sông Vu Gia).

Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các đồng chí được phân công theo dõi lĩnh vực ngành, địa phương cần tập trung đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thi công, giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công. “Kịp thời trao đổi, giải quyết ngay các vướng mắc, không phải chờ đến khi tổ chức hội nghị để nghe, rồi mới tìm hướng tháo gỡ, làm chậm tiến độ thi công, giải ngân vốn”, đồng chí Phan Việt Cường lưu ý.