Hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Tĩnh chủ động bàn giao mặt bằng để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường vành đai phía đông.
Thành phố Hà Tĩnh chủ động bàn giao mặt bằng để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường vành đai phía đông.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 giảm tốc có nguyên nhân từ sự thu hẹp của ngành công nghiệp. Triển vọng phục hồi của lĩnh vực sản xuất vẫn không chắc chắn khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã quay trở lại mốc dưới 50 điểm. Các động lực quan trọng của nền kinh tế gồm xuất khẩu, đầu tư nước ngoài đều gặp khó khăn.

Ngân sách thặng dư nhưng chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 10,3% ngân sách kế hoạch cho thấy việc giải ngân chi tiêu công đang chậm lại. Vẫn cần tiếp tục theo dõi thêm diễn biến tình hình trong những tháng tiếp theo nhưng nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài tiếp tục yếu, biện pháp ứng phó cần thiết là hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so năm trước sẽ làm GDP của Việt Nam tăng thêm 0,058%. Ðặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu thì đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Với tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng, nếu đưa vào nền kinh tế sẽ nhanh chóng tạo việc làm, sinh kế cho người dân và kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào nhóm dự án, công trình có quy mô lớn để ưu tiên giải ngân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp phép mỏ, cung cấp đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, tổ chức thi công khẩn trương mới có thể đẩy nhanh được tiến độ dự án.

Trong quá trình này, chỉ cần một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng. Cũng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Ðầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển của nền kinh tế. Ðể đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn năm 2022 sang năm 2023 để triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, đồng thời sớm phân bổ các nguồn vốn, nhất là Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của cả năm 2023 còn rất lớn, các bộ, ngành, địa phương đang đặt quyết tâm cao để giải ngân đạt 95% kế hoạch năm.