Theo số liệu tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, đến ngày 31/7/2024, Ngân hàng đang cho vay với 50.000 hộ, dư nợ hơn 934 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch vệ sinh môi trường.
Vốn ưu đãi giúp nhiều hộ thoát nghèo
Mặc dù bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của người dân khi xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường để bảo đảm cuộc sống nhưng thực tế là người dân có nguyện vọng được vay số vốn nhiều hơn quy định (10 triệu đồng/công trình) để thi công hoàn thiện công trình khi chi phí đầu tư xây dựng công trình đang tăng cao trong giai đoạn hiện nay.
Do vậy, ngày 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, từ ngày 2/9/2024, mức cho vay của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ được nâng tối đa lên 25 triệu đồng/công trình.
Đối tượng vay vốn là các hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú tại vùng nông thôn các xã trên địa bàn thành phố, thị trấn. Điều kiện vay vốn là những hộ dân chưa có công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây mới, nâng cấp, cải tạo sửa chữa.
Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/công trình với lãi suất cho vay 9%/năm, thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 5 năm.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, việc Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Qua đó, góp phần cải thiện nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, đồng thời, nâng cao tiêu chí về môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đang hướng dẫn người có nhu cầu về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục vay, trả nợ để cho vay ngay từ đầu tháng 9 tới.