Quảng Bình kiểm soát an toàn vệ sinh trong sản xuất nông nghiệp

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông, thủy sản luôn được quan tâm bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn liên quan, tác động đến hiệu quả sản xuất và thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản, thủy sản luôn được các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân ở tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Quy trình sấy sản phẩm tại Hợp tác xã Dược liệu Cự Nẫm (huyện Bố Trạch).
Quy trình sấy sản phẩm tại Hợp tác xã Dược liệu Cự Nẫm (huyện Bố Trạch).

Với ước mơ phát triển cây dược liệu trên vùng gò đồi quê hương, vợ chồng chị Nguyễn Thị Giang, ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đã trở về quê khởi nghiệp với việc trồng cây cà gai leo. So với các cây trồng truyền thống khác, cây cà gai leo có đầu ra ổn định do đây là dược liệu quan trọng trong chế biến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người, cây lại ít sâu bệnh, không kén đất, công chăm sóc ít. Từ những ngày đầu bán nguyên liệu thô phơi khô, năm 2018, vợ chồng chị Giang quyết định thành lập Hợp tác xã Dược liệu Cự Nẫm để mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo và sản xuất sản phẩm tinh chế. Hợp tác xã đầu tư dây chuyền chế biến cao theo quy trình sản xuất ngành dược.

Tiếp theo, đơn vị đầu tư dây chuyền đóng gói hiện đại và kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời đăng ký công bố chất lượng sản phẩm dược liệu chất lượng của cao cà gai leo. Vừa làm, vừa học và nắm bắt phản hồi của người tiêu dùng để thay đổi cho phù hợp thị hiếu, Hợp tác xã Dược liệu Cự Nẫm dần khẳng định uy tín của mình trong lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu còn khá mới của tỉnh Quảng Bình.

Hợp tác xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo bằng cách liên kết với nông dân nhiều nơi trên vùng đồi phía tây huyện Bố Trạch và đưa vào trồng, chế biến thêm nhiều loại cây dược liệu khác như cây thìa canh, chè vằng, cây lạc tiên, kim tiền thảo, xạ đen. Hợp tác xã Cự Nẫm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hình thành chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín từ trồng nguyên liệu, chế biến đến đóng gói sản phẩm để đưa ra thị trường. Toàn bộ cây giống và quy trình trồng, chăm sóc cây dược liệu đều được vợ chồng chị Giang chủ động giám sát để bảo đảm chất lượng nguyên liệu sạch theo yêu cầu.

Xã viên áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây cà gai leo và các loại cây dược liệu bằng sản phẩm sinh học và phân chuồng ủ hoai mục. Hiện nay, hợp tác xã sản xuất được 8 loại sản phẩm khác nhau và đều tập trung vào nhóm hàng hóa phục vụ nâng cao sức khỏe cho con người. Ðặc biệt, cao thìa canh đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, cao cà gai leo là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tất cả sản phẩm của hợp tác xã đều được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cũng với cách làm phù hợp nhằm đặt tiêu chí an toàn thực phẩm cho sản phẩm lên hàng đầu, Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Thuận Lợi ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch đã đầu tư cơ sở chế biến thủy sản nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ðến nay, công ty có 4 kho lạnh bảo quản và 2 kho cấp đông, 6 xe đông lạnh có thể bảo đảm vận chuyển sản phẩm thủy sản tươi ngon từ các tàu đánh bắt của ngư dân địa phương tới các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện, doanh nghiệp có 5 sản phẩm đông lạnh đạt chuẩn OCOP, như mực ống nguyên con, mực ống cắt khoanh, cá thu cắt khúc...

Ông Hoàng Lợi, Giám đốc công ty chia sẻ, nguyên liệu công ty thu mua trực tiếp từ các tàu cá bảo đảm điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm trong khai thác thủy sản. Sau đó, qua nhiều công đoạn để loại bỏ những nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, kích cỡ, được sơ chế và đưa vào cấp đông nhằm duy trì trạng thái chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Ngoài bao bì sản phẩm có đầy đủ thông tin và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thông qua việc quét QR-code. Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhất là các thành phần hóa chất, kim loại nặng với mục tiêu đưa sản phẩm ra thị trường là phải sạch, chất lượng, uy tín để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, qua công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cho thấy, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản trong tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản xuất theo chuỗi và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm chặt chẽ trước khi cung ứng ra thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm nông sản, thủy sản có chất lượng ổn định, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và được thị trường tin dùng.

Cùng với công tác quản lý về chất lượng thực phẩm nông sản, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình thường xuyên tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, được cấp giấy chứng nhận VietGAP, HACCP, tổ chức phiên chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và xây dựng mô hình sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm nông sản, thủy sản ở Quảng Bình vẫn còn một số bất cập. Trong khi công tác quản lý và việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất lớn, có thương hiệu khá tốt thì ở các cơ sở nhỏ lẻ, chợ dân sinh còn những hạn chế yếu kém.

Cuối năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện mẫu thực phẩm tại một số chợ ở huyện Bố Trạch có chứa chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Cùng với đó là vẫn còn một số mặt hàng bán không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Số cơ sở và cá nhân vi phạm tuy không nhiều nhưng cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng.

Để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, thủy sản, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cải tiến quy trình công nghệ, sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Mai Văn Minh

Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn, trong đó chú trọng hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết nông sản, thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.