Dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44, ngày 11/1/2022 và được Chính phủ triển khai tại Nghị quyết số 18 ngày 11/2/2022. Theo đó, dự án đi qua tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần dài 126km, gồm: Vũng Áng-Bùng (56 km), Bùng-Vạn Ninh (49km) và Vạn Ninh-Cam Lộ (68km).
Đến nay, Ban Quản lý dự án, Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao cho địa phương hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng và mốc giải phóng mặt bằng thực địa (đợt 1). Công tác phối hợp triển khai dự án tại địa phương đáp ứng theo yêu cầu đề ra. Tỉnh Quảng Bình đã thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án tại địa phương, các huyện đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã báo cáo tiến độ thực hiện, nêu lên những khó khăn, vướng mắc: Tiến độ dự án gấp trong khi một số nội dung như cao độ tuyến, quy mô kết cấu công trình, nút giao, hầm chui đường gom, các diện tích thu hồi đất lúa và đất rừng, nội dung hướng dẫn về thủ tục rút ngắn để triển khai dự án… chưa cụ thể nên khó khăn trong thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 là công trình trọng điểm quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do vậy, yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phối hợp thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cần chỉ đạo tập trung cao độ, phối hợp rà soát chặt chẽ thiết kế công trình bảo đảm phù hợp với hệ thống hạ tầng của tỉnh, nhất là tuyến giao thông đông-tây, kết nối các khu công nghiệp, phương án thoát lũ… Tỉnh phải làm tốt nhiệm vụ phối hợp, đáp ứng yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 11/2022 như tiến độ đề ra; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu có cơ chế, chính sách thống nhất trong đền bù, bảo đảm tính tương đồng giữa các dự án. Các tổ chức chính trị-xã hội, mặt trận, đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện, tạo sự đồng thuận, bảo đảm lợi ích cho nhân dân.
Các địa phương có dự án đi qua chủ động phương án tái định cư phù hợp với đặc điểm tình hình và trên nguyên tắc có lợi nhất cho nhân dân. Trong đó, chú ý các khu tái định cư phải có điều kiện bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong diễn biến liên quan, trước thực trạng người dân ở các huyện Lệ Thủy và Quảng Bình và một số địa phương trong tỉnh đã ồ ạt xây dựng các công trình, trồng cây để "đón đầu" chờ đền bù từ dự án đường bộ cao tốc bắc-nam, các địa phương đã chỉ đạo tăng cường quản lý việc sử dụng đất; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc bắc-nam.