Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, năm 2022, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực: có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 34% so dự toán địa phương; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 8%, tăng so kế hoạch; GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 21.000 lao động...
Lĩnh vực xây dựng Đảng cũng có những chuyển biến rõ nét. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nghị quyết về chuyển đổi số; về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi; giảm nghèo bền vững; ban hành các chương trình hành động; tổ chức nhiều hoạt động, các sự kiện quan trọng và ý nghĩa.
Cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được chú trọng. Các mặt công tác kiểm tra, giám sát, nội chính, dân vận, mặt trận đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu tại Hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đề nghị các đại biểu đi sâu thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục để thực hiện được 3 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch cũng như một số vấn đề còn nhiều hạn chế, tồn tại như: giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tiến độ các dự án không đạt kế hoạch đề ra, thiếu vật tư hóa chất trong ngành Y tế và thiếu giáo viên trong ngành giáo dục-đào tạo.
Đồng chí Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, năm 2023 là năm điểm nhấn để tạo sự bứt phá, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Dự báo tình hình sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, hiệu quả.
Trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng, xử lý các nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, Quảng Bình tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng. Đó là tập trung lãnh đạo thực hiện toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các khâu đột phá; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương. Cùng với đó, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.