Quảng Bình chú trọng trồng rừng gỗ lớn

So với các địa phương khác ở miền trung, tỉnh Quảng Bình triển khai trồng rừng gỗ lớn khá chậm và người dân còn e ngại do lo sợ thiệt hại do thiên tai. Để tăng giá trị kinh tế cho rừng trồng và hướng tới phát triển bền vững, Quảng Bình hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích phù hợp sang trồng rừng gỗ lớn với diện tích ngày càng tăng. Hướng đi triển vọng này hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân.
Người dân huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chuyển từ trồng rừng nguyên liệu thông thường sang trồng rừng gỗ lớn.
Người dân huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chuyển từ trồng rừng nguyên liệu thông thường sang trồng rừng gỗ lớn.

Tháng 10/2019, UBND tỉnh Quảng Bình triển khai "Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025". Đề án hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, bảo vệ môi trường và phát triển lâm nghiệp bền vững.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, trở ngại lớn nhất ở địa phương khi triển khai đề án là sự e ngại của người dân bởi năm nào vùng đất này cũng bị ảnh hưởng của thiên tai, gió bão. Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, người dân thường chọn cách thu hoạch sớm gỗ rừng trồng chỉ sau 4-5 năm trồng cây. Tất nhiên, do thu hoạch sớm nên giá trị lâm sản thấp.

Vì thế, sau thời gian thu hoạch rừng theo kiểu "gặt lúa non", nhiều người dân đã nghĩ đến chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn ở các địa hình phù hợp, ít bị gió bão. Năm 2019, cả tỉnh chỉ trồng được hơn 1.200 ha rừng gỗ lớn thì đến nay, diện tích rừng gỗ lớn đã tăng lên gần 8.000 ha.

Thực tế tại địa phương cho thấy, trên cùng một diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Rừng gỗ lớn còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại cho nên giảm nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất. Theo tính toán, khoảng 10 năm, mỗi héc-ta rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu sáu năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 60-70 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Công, ở thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa trồng 1 ha rừng gỗ lớn từ tháng 5/2019. Trước khi trồng, ông đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, mua cây giống, phân bón. Sau đó, ông được cán bộ lâm nghiệp đến tận nơi để hướng dẫn cách trồng, chăm sóc.

Ông Công cho biết: "Nhờ được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên rừng nhà tôi phát triển rất nhanh, cây đều, sức chống chọi gió bão tốt hơn rừng trồng thông thường. Hiện có nhiều cây rừng trồng gỗ lớn đã đạt đường kính gốc gần 25 cm".

Tương tự, ông Đinh Ngọc Bảo ở thôn Tân Hương, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa vốn đã gắn bó nhiều năm với nghề trồng rừng nên hiểu hết những giá trị của rừng. Rừng là sinh kế mang lại nguồn thu nhập chính, là nguồn sống của gia đình ông.

Thế nhưng, cũng như nhiều người khác, ông Bảo chỉ trồng rừng theo kinh nghiệm "xưa bày nay làm", nghĩa là có đất thì cứ trồng keo tràm, chỉ ít năm thì cắt bán rồi lại trồng mới. Bình quân mỗi héc-ta thu được khoảng 50 triệu đồng. Như vậy mỗi năm, người trồng rừng chỉ thu được 10 triệu đồng/ha. Sau khi được dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, ông Bảo đã thay đổi suy nghĩ và cách làm của mình. Hiện, cả 4 ha rừng của ông đều chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn và áp dụng quy trình quản lý rừng bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, Tuyên Hóa là vùng miền núi, có diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lớn (gần 13.000 ha). Đó chính là thế mạnh để huyện phát triển các ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, Tuyên Hóa triển khai đề án "Nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025" với mục tiêu là hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao giá trị và đầu ra cho sản phẩm rừng trồng, huyện chú trọng tăng các diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Cùng với đó, địa phương khuyến khích người dân lựa chọn các loại cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ năm 2020 đến nay, huyện Tuyên Hóa phối hợp với Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát (thuộc Tập đoàn An Việt Phát) và các cơ quan liên quan để đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho người dân trồng rừng. Đến nay, Tuyên Hóa là địa phương dẫn đầu ở Quảng Bình trong việc cấp chứng chỉ quản lý rừng trồng FSC, với diện tích hơn 3.000 ha.

Theo Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Minh Hóa Nguyễn Công Chung, với lợi thế về đất lâm nghiệp, thời gian qua, huyện Minh Hóa tích cực tuyên truyền, vận động người dân cải tạo, chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn thay thế gỗ rừng trồng có giá trị thấp. Huyện quy hoạch các vùng, khu vực rừng để phát triển những vùng sản xuất tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ phù hợp. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân chuyển từ rừng trồng thông thường sang rừng gỗ lớn với diện tích hơn 1.000 ha. Bà con trồng rừng gỗ lớn đều nhận được hỗ trợ kinh phí để mua giống cây keo nuôi cấy mô, phân bón, tập huấn kỹ thuật về trồng rừng bền vững. Những kết quả bước đầu chính là tiền đề cơ bản để thay đổi nhận thức và tư duy của người trồng rừng trong việc nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Ở phía nam của tỉnh Quảng Bình, được sự hỗ trợ của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt, Hội chủ rừng phát triển bền vững của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh được cấp chứng chỉ FSC. Chứng chỉ này không chỉ giúp phát triển kinh tế rừng bền vững mà còn được xem như "hộ chiếu" để gỗ rừng trồng của người dân xuất khẩu đi nước ngoài.

Đại diện một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng tại tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã ký cam kết với Hội chủ rừng phát triển bền vững huyện Lệ Thủy để tiêu thụ gỗ rừng trồng cho bà con. Rừng ở đây có chứng chỉ FSC, bảo đảm các tiêu chí đầu vào nguồn nguyên liệu nên các sản phẩm từ gỗ viên nén, ván ép của công ty có thể xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu. Công ty cam kết thu mua giá gỗ nguyên liệu cao hơn 10% so với giá thị trường. Trong trường hợp gặp thiên tai, rừng chưa đến kỳ thu hoạch nhưng bị gãy đổ, công ty cũng sẽ mua bình thường. Ngoài ra, công ty hỗ trợ người dân về giống cây trồng, kinh phí đánh giá, cấp chứng chỉ FSC. Trung bình mỗi năm, công ty sẽ thu mua cho bà con khoảng 200.000 tấn gỗ, tương đương khoảng 1.000 ha rừng trồng có chứng chỉ.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, nhiều hộ trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Bình cũng cho rằng, rừng trồng kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, khả năng gặp rủi ro do thiên tai cao. Do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách bảo hiểm phù hợp đối với loại hình kinh doanh rừng này, có như vậy người dân mới yên tâm phát triển trong tương lai.

Mặt khác, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình và các doanh nghiệp lâm nghiệp thực hiện việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, tạo điều kiện để các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng diện tích rừng có chứng chỉ và phát triển sản xuất ổn định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu đánh giá rất cao đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025" và cho rằng, đây là căn cứ để tỉnh nâng cao chất lượng và năng suất của rừng gỗ lớn. Muốn vậy, bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, cần huy động thêm từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, đưa giống keo nuôi cấy mô vào trồng đại trà; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cần tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt đề án; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai; liên doanh, liên kết để phát triển nguồn nguyên liệu lâu dài, bền vững.