Quảng Bình chọn bốn đột phá trong phát triển kinh tế

Trong những năm nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra. Từ góc độ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân về nhiệm vụ và những giải pháp phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Ðại Thắng thăm, tặng quà người có công ở huyện Lệ Thủy.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Ðại Thắng thăm, tặng quà người có công ở huyện Lệ Thủy.

Phóng viên: Nửa nhiệm kỳ qua, cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ như đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình đã có sự phục hồi và tăng trưởng khá. Xin đồng chí cho biết những kết quả cơ bản mà Quảng Bình đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025?

Ðồng chí Vũ Ðại Thắng: Triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, Quảng Bình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Hậu quả của các đợt mưa lũ năm 2020 chưa khắc phục hết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, các bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, giá cả xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ kiểm soát tốt và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, kinh tế của tỉnh đã có sự phục hồi và tăng trưởng khá sau đại dịch. Ðơn cử như GRDP giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 6,63%/năm; cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự dịch chuyển đúng hướng. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7.134 tỷ đồng/năm.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được triển khai khẩn trương, đồng bộ. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Nhờ đó, nhiều công trình mới, quan trọng được hoàn thành phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, đồng bào dân tộc thiểu số... được tỉnh quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị được triển khai trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực, nội dung, vấn đề cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Ðặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các đề án về công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; thực hiện thí điểm phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" và các mô hình sinh hoạt đảng mới để nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên. Những kết quả đạt được nêu trên chính là tiền đề quan trọng để Quảng Bình tiếp tục có những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đưa tỉnh phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng, sự mong đợi của nhân dân trong những năm tới.

Phóng viên: Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được giữa nhiệm kỳ, tỉnh Quảng Bình tiếp tục có những giải pháp như thế nào để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17 và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, thưa đồng chí?

Ðồng chí Vũ Ðại Thắng: Ðể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17 và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Bình cần ra sức phấn đấu, nỗ lực cao hơn nữa, ngoài những giải pháp cơ bản đã được nêu trong Nghị quyết thì cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:

Một là, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Tiếp tục tập trung thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index, SIPAS. Chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ba là, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, tăng cường thực hiện hoạt động kích cầu du lịch, truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Thúc đẩy phát triển kinh tế biển và các ngành dịch vụ biển.

Bốn là, tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nâng cao sức khỏe cho người dân toàn diện cả về tầm vóc, thể chất, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.

Năm là, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Phóng viên: Quảng Bình là một trong số các tỉnh được các bộ, ngành, Trung ương hỗ trợ để sớm xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt. Xin đồng chí chia sẻ thêm về các định hướng lớn của quy hoạch này?

Ðồng chí Vũ Ðại Thắng: Với mục tiêu "Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo; nông nghiệp giá trị cao", tỉnh đã xác định một số định hướng lớn tạo đột phá phát triển cho giai đoạn tới là:

Trước hết là xây dựng hai trung tâm động lực tăng trưởng. Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Ðông Nam Á và Khu kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là ba trung tâm đô thị, gồm: trung tâm đô thị thành phố Ðồng Hới và vùng phụ cận; trung tâm đô thị phía bắc với hạt nhân là thị xã Ba Ðồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các Khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa và trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh Lệ Ninh và Áng Sơn.

Gắn với các động lực tăng trưởng là ba hành lang kinh tế, gồm: hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế đông-tây dọc quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo với thị xã Ba Ðồn và cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc bắc-nam phía đông.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Quảng Bình xác định rõ bốn trụ cột phát triển kinh tế. Tỉnh tập trung đầu tư để phát triển du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu "Du lịch Quảng Bình" trên bản đồ du lịch quốc tế.

Tiếp đó, phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích, kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo. Trên cơ sở khai mở các tiềm năng, nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Cùng với đó là phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!