Quan tâm hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học

Thời gian qua, không ít học sinh phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, như: bị bạo lực, xâm hại, bắt nạt, thiếu kỹ năng sống… cho nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập và cuộc sống. Vì vậy, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tăng cường hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học cho học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại thư viện của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).
Giờ học tại thư viện của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Thiện Hòa (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn).

Thời gian qua, Trường trung học cơ sở Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) luôn chú trọng các hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh. Nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ, trao đổi tâm tư, tình cảm và giải tỏa những thắc mắc trong cuộc sống, trong học tập, trong quan hệ bạn bè, thầy trò hoặc những vấn đề tâm lý, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ và can thiệp đối với những học sinh gặp phải những khó khăn trong đời sống tâm lý để chủ động ngăn ngừa những tác động tiêu cực gây bất ổn ảnh hưởng đến học tập và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nhà trường cũng chủ động thu thập những ý kiến đóng góp của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên trong các vấn đề liên quan đến công tác tham vấn tâm lý nhằm góp phần thúc đẩy nhà trường phát triển toàn diện và bền vững.

Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào các nội dung: hướng nghiệp (tham vấn giúp học sinh chọn khối thi, chọn nghề, thông tin tuyển sinh); phương pháp học tập; tình yêu, quan hệ bạn bè với bạn cùng giới và khác giới; vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; ứng xử, giao tiếp với gia đình, bạn bè, thầy, cô giáo. Các hoạt động này thực tế đã góp phần ổn định đời sống tâm hồn, tình cảm và giúp học sinh thực hiện được nguyện vọng và mơ ước của mình; giúp định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Những năm gần đây, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực triển khai hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trang bị cho tất cả các trường trực thuộc cơ sở vật chất của phòng tư vấn tâm lý; phối hợp Khoa Tâm lý (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), Học viện Quản lý giáo dục tổ chức nhiều lớp tập huấn về năng lực, kỹ năng chuyên môn cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục, nhất là Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các cụm trường trung học phổ thông tổ chức các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh với những nội dung: Thực trạng, khó khăn và giải pháp, tâm lý học sinh thời đại 4.0; linh hoạt bố trí các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động nhóm. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh. Tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.

Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp lứa tuổi. Các trường thường xuyên tổ chức tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện qua phòng tham vấn học đường và các hoạt động được tổ chức tại trường học.

Tại Hải Phòng, bên cạnh công tác dạy học, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng chú trọng công tác xã hội, tư vấn tâm lý cho học sinh. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng, Đỗ Thị Hòa, lứa tuổi học sinh, nhất là các em cấp trung học cơ sở với đặc điểm tâm sinh lý đang phát triển mạnh, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ. Vì vậy, khi đối mặt với những áp lực, khó khăn trong cuộc sống, căng thẳng trong học tập, quan hệ gia đình và xã hội, các em dễ có hành vi tiêu cực.

Cá biệt, có học sinh bị trầm cảm, tự kỷ, ảnh hưởng lớn đến việc học tập, rèn luyện và hòa nhập cuộc sống. Theo kết quả khảo sát học sinh cấp trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho thấy, có hơn 30% số học sinh cho biết đôi khi gặp khó khăn về tâm lý, đặc biệt là học sinh lớp 8 và lớp 9; khoảng 6% số học sinh cho biết thường xuyên gặp khó khăn về tâm lý; 35,5% số học sinh khó khăn trong học tập; 24,5% số học sinh liên quan đến các mối quan hệ như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò; 20,3% số học sinh liên quan đến cá nhân học sinh như tâm lý tuổi mới lớn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, quản lý cảm xúc, kỹ năng sống, bạo lực học đường; 17,6% số học sinh liên quan đến định hướng tương lai như phát triển năng khiếu, chọn trường, sở trường…

Tuy nhiên, hiện nay, thành phố Hải Phòng thiếu 1.435 giáo viên, nhiều giáo viên phải dạy tăng tiết để bảo đảm chương trình học, quỹ thời gian dành cho công tác tư vấn tâm lý không nhiều; sự phối hợp của cha mẹ học sinh với nhà trường đôi khi không đồng nhất, nhiều người có tư tưởng "khoán trắng" việc giáo dục con trẻ cho nhà trường là một trong những khó khăn cần được khắc phục trong thời gian tới.

Quyền Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt cho biết, giai đoạn 2015-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học. Hằng năm, chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; phối hợp tích cực với các bộ, ngành để thực hiện.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa và thực hiện hiệu quả hoạt động này; đồng thời sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng tới các vấn đề về các nguồn lực triển khai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tham mưu ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.