Đây là hoạt động nhằm góp phần ghi nhận, tôn vinh kết quả lao động trí tuệ và những thành quả sáng tạo to lớn của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) có chủ đề: Phụ nữ với sở hữu trí tuệ-Thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Để đạt mục tiêu đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó lực lượng nữ trí thức.
Theo số liệu thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia năm 2019, số lượng nữ tham gia nghiên cứu chiếm 46% trong tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển. Cộng đồng nữ trí thức Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các nữ khoa học, doanh nhân trong mọi lĩnh vực trên toàn quốc.
Các nữ trí thức đã cống hiến nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có những đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng và còn nhiều tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn chưa được thương mại hóa.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng cho rằng, bên cạnh những thành công vẫn còn không ít trở ngại, khó khăn làm hạn chế vị thế, vai trò của nữ trí thức. Do vậy, việc hỗ trợ các nữ trí thức quảng bá, giới thiệu và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết họ với các doanh nghiệp nhằm khai thác và phát triển giá trị các tài sản trí tuệ, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ thực sự là rất cần thiết.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quan tâm nhiều hơn đến cơ chế hỗ trợ cho phụ nữ hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa các tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của các nữ trí thức. |
Tại sự kiện, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã cảm ơn sự phối hợp và hỗ trợ của các đối tác quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong nhiều năm qua đã luôn đồng hành trong việc xây dựng chiến lược quốc gia, chính sách quan trọng về sở hữu trí tuệ và những hoạt động rất cụ thể và chuyên môn như đào tạo, tư vấn, trong đó phụ nữ và giới trẻ luôn là các nhóm chủ thể được ưu tiên.
Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp đã được hình thành và phát triển đó, hy vọng hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng và đổi mới sáng tạo nói chung sẽ tiếp tục được tăng cường và phát huy.
Tham dự triển lãm có gần 30 gian hàng của 38 đơn vị đại diện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp nữ tiêu biểu. Các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, thiết bị, công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực như hóa dược, y sinh, cơ khí, nông nghiệp...
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ của các nữ trí thức nhằm phục vụ thiết thực và góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng. Hầu hết các sản phẩm, công nghệ này đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…
Các tài sản trí tuệ này cũng đã và đang được các nhà khoa học, doanh nghiệp tích cực khai thác, phát triển, thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế không nhỏ để tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, tạo ra những bước tiến mới mang tính đột phá cho khoa học, công nghệ Việt Nam.