Quan tâm, hỗ trợ người lao động mất việc làm dịp cuối năm

Đơn hàng giảm, thu hẹp sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh phải cắt giảm hàng nghìn lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh thời điểm cuối năm. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp rất khó khăn khi xoay xở để duy trì hay bù đắp các đơn hàng thiếu hụt...
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 1/11, Công ty THHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) chuyên sản xuất giày xuất khẩu đã thông báo đến người lao động tại công ty: Do ảnh hưởng tình hình kinh tế, không có đơn hàng sản xuất, công ty phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân.

Thời gian chấm dứt hợp đồng lao động bắt đầu từ ngày 1/12/2022; công ty sẽ chi trả các khoản trợ cấp theo quy định như: chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động làm việc từ năm 2008 trở về trước; chi trả trợ cấp mất việc làm hai tháng tiền lương cho toàn bộ lao động bị cắt giảm; chi trả toàn bộ lương tháng 11/2022.

Ngoài ra, công ty sẽ chi tiền thưởng năm 2022 là một tháng lương trong năm làm việc đủ 12 tháng, trường hợp làm việc không đủ 12 tháng công ty tính theo tỷ lệ thời gian làm việc thực tế. Thời gian trả sổ bảo hiểm xã hội được công ty thực hiện từ ngày 19 đến 24/12.

Mặc dù biết trước thông tin này nhưng anh Nguyễn Tú Đình, công nhân làm việc ở bộ phận chấm công không khỏi lo lắng vì thời điểm Tết đã cận kề, nghỉ việc lúc này phải tìm việc làm mới thay thế cũng không phải dễ dàng. Anh Đình vào công ty làm việc từ năm 2013, công việc ổn định từ đó đến nay, thu nhập hằng tháng gửi hết về quê ở Sóc Trăng nuôi con nhỏ.

Nếu đầu tháng 12 được nhận các khoản trợ cấp của công ty, Đình sẽ nhanh chóng tìm việc làm, không để mất thu nhập, nhất là Tết đến rất nhiều khoản phải chi tiêu. Nhiều công nhân đang làm việc tại đây, nhất là công nhân lớn tuổi có thời gian làm việc từ 15 năm-20 năm rất lo lắng, vì ngần ấy thời gian làm việc gắn bó, nay đột ngột nghỉ việc sẽ rất khó tìm một chỗ làm mới thay thế để ổn định cuộc sống. Theo Công ty TNHH Tỷ Hùng, công ty hiện có 1.822 lao động, trong đó 1.185 lao động phải cắt giảm đợt này, thuộc khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất.

Trước đó, đầu tháng 10 năm nay, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), chuyên gia công giày da cũng bị một đối tác nước ngoài cắt toàn bộ đơn hàng khiến công suất của nhà máy giảm 30%, tương ứng 3.000 lao động mất việc. Theo đại diện công ty, số lao động thuộc diện cắt giảm mới được ký hợp đồng vào đầu năm, thời gian làm việc tại công ty chưa đủ 12 tháng.

Số lao động này không nhận được trợ cấp mất việc từ doanh nghiệp và cũng chưa thuộc diện được quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả, vì vậy, công nhân lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ban Giám đốc công ty cũng đã trình phương án cắt giảm, bố trí lao động làm việc lên Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh để có phương án xử lý bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

Cùng với phương án cắt giảm số lượng lớn người lao động, không ít nhà máy bị tác động rõ rệt từ đơn hàng bị cắt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của công nhân lao động Không chỉ thế, có doanh nghiệp còn lo lắng khi đơn hàng có khả năng bị “hụt” trong những tháng đầu năm 2023 cho nên tìm cách xoay xở “bù” vào ngay từ bây giờ với hy vọng sẽ bảo đảm công việc được duy trì để người lao động không bị giảm thu nhập, nguồn thu của công ty không bị giảm sút.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết: Trong hai tháng 10 và 11, đơn hàng của công ty giảm 30% cho nên thu nhập của người lao động giảm theo. Trong đó, lao động thời vụ bị ảnh hưởng rõ nhất vì cắt giảm nguồn lao động; lao động chính thức bị giảm thời gian tăng ca và không đi làm ngày nghỉ cũng kéo theo thu nhập giảm sút nhiều. Cụ thể, trước khi đơn hàng giảm, thu nhập của công nhân lao động gấp hai đến ba lần lương thì từ tháng 10, thu nhập chỉ còn khoảng một lần lương.

Với gần 2.500 công nhân trực tiếp sản xuất, Công ty cổ phần giày Thiên Lộc (quận 12) hiện vẫn bảo đảm đủ số lượng đơn hàng cho tháng 11 và 12 để duy trì công việc của người lao động trong năm 2022.

Tuy nhiên, đối với kế hoạch sản xuất trong năm 2023, ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện tháng 1/2023, công ty còn thiếu 30 nghìn đôi giày, tháng 2 thiếu 36 nghìn đôi giày cho nên công ty đang rất lo lắng trong khi chờ thông tin đặt hàng gia công từ các đối tác. Công ty phải nỗ lực duy trì đơn hàng, không để tình trạng giảm việc, mất việc xảy ra”.

Cũng theo ông Bình, bình thường mọi năm, đến tháng 5 công ty đã có đủ đơn hàng cho năm sau. Nhưng năm nay, đơn hàng thiếu nhiều cho nên dự báo tình hình sản xuất sắp tới sẽ rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Đoàn Trung nhận định: Tình hình chung hiện nay, các nhà máy dệt may, da giày, sản xuất hàng nội thất bị tác động từ các thị trường xuất khẩu, nên giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Các nhà máy bố trí công nhân làm việc giờ hành chính, không tăng ca, nghỉ luân phiên hoặc giảm số lượng lao động.

Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi thực hiện cắt giảm lao động; trong đó, quan tâm đến các đối tượng ưu tiên như nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; xây dựng phương án cắt giảm lao động do thu hẹp sản xuất đúng quy định, có sự tham gia giám sát của công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi các quy định, chế độ đối với người lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể với người lao động. Liên đoàn Lao động thành phố cũng yêu cầu các địa phương nắm tình hình, báo cáo chi tiết để có phương án hỗ trợ kịp thời đối với người lao động khi bị mất việc làm; phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi mất việc làm.