Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng quan tâm đầu tư cho văn hóa, xem văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nguồn ngân sách đầu tư cho văn hóa ngày một tăng cao. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”.
Đầu tư cho văn hóa cũng là nội dung được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII, cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Đảng. Nhờ sự định hướng đó, những năm gần đây, đời sống văn hóa đã có những chuyển biến sâu rộng.
Văn hóa thật sự trở thành “sức mạnh mềm”, thẩm thấu trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa cho thấy, văn hóa không chỉ là lĩnh vực “tiêu tiền” mà còn trực tiếp mang về nguồn lợi nhuận kinh tế lớn nhờ đa dạng hóa sản phẩm văn hóa gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy kinh tế một cách bền vững.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ, trong đó đáng kể nhất là đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân của tình trạng này là do năng lực quản trị văn hóa còn hạn chế, nhận thức của các nhà quản lý văn hóa cũng như toàn thể người dân chưa triệt để.
Ở một số địa phương, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng thiếu đồng bộ, quyết liệt. Đầu tư cho văn hóa vẫn còn hời hợt, phân bố thiếu hợp lý, chưa có tầm nhìn mang tính dài hạn, do đó chưa tác động tích cực vào đời sống tinh thần của nhân dân.
Để nâng cao tính hiệu quả đầu tư cho văn hóa, giải pháp trước hết là khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa làm cơ sở tạo nguồn lực phát triển. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các nhà quản lý, người thực hành, sáng tạo cũng như người thưởng thức văn hóa.
Chỉ khi có quan điểm đúng đắn về việc đầu tư nguồn lực cho văn hóa, thì hành động của mỗi người mới thật sự góp phần tích cực vào phát triển văn hóa...
Ngày 3/6, trước Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Người đứng đầu ngành văn hóa cũng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.
Với những định hướng chiến lược phát triển văn hóa đã được gợi mở và nhiều ý kiến đóng góp thiết thực thời gian qua, hy vọng rằng đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để từng bước nâng cao hiệu quả công tác đầu tư cho văn hóa.