Quan tâm chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào các dân tộc thiểu số tập trung sinh sống nhiều nhất Nam Bộ. Nhiều năm qua, tỉnh luôn chú trọng triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng.

Nhiều năm nay, xã viên Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất lúa Nghĩa Thắng ở xã Ðại Tâm, huyện Mỹ Xuyên không còn lo đầu ra vì lúa vừa thu hoạch đã có doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 5-10%.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nghĩa Thắng Trầm Sanh, cả hai vụ lúa trong năm 2024 đều trúng mùa, được giá, người dân mừng lắm. Hơn 100 ha của hợp tác xã đã chuyển từ trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", giúp giảm gần 40% lượng lúa giống, phân bón và giảm từ 3-6 lần phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ðại Tâm là xã nông thôn vùng ven có 8 ấp, 4.689 hộ với 19.757 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 86%, chủ yếu là đồng bào Khmer.

Theo Ủy ban nhân dân xã Ðại Tâm, triển khai xây dựng nông thôn mới không chỉ làm thay đổi diện mạo làng quê, mà còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, giúp thu nhập của người dân tăng lên, đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm. Năm 2024, Ðại Tâm là một trong ba xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Châu Thành hiện có 10 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 52% dân số toàn huyện; tất cả các xã đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có hai xã đạt nông thôn mới nâng cao, thị trấn huyện lỵ được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.

Thời gian qua, địa phương chú trọng phát triển hàng hóa nông sản, trong đó, chương trình OCOP giúp người dân tăng thêm thu nhập. Theo Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, toàn huyện hiện có 43 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó, có 18 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì đẹp, chất lượng tốt và tạo dựng được uy tín trên thị trường.

Chị Dương Thị Kiều Linh, chủ cơ sở bánh pía Mỹ Hiệp Thành, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành chia sẻ: Ðây là nghề truyền thống của người Hoa. Ðược sự hướng dẫn của địa phương, chị đã đưa bánh pía của cơ sở tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm đã đạt 3 sao. Nhờ đó, bánh pía của cơ sở được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, sản lượng bánh tăng hơn 50% so với trước khi sản phẩm đạt xếp hạng OCOP.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vương Quốc Nam thông tin, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số là các chủ thể OCOP đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. Toàn tỉnh hiện có 242 sản phẩm OCOP được chứng nhận; trong đó có 17 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 225 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao của 140 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng 399 công trình; thực hiện duy tu, bảo dưỡng 207 công trình, chủ yếu là đường giao thông và nhà sinh hoạt cộng đồng với tổng nguồn vốn hơn 327 tỷ đồng.

Ðến nay, Sóc Trăng có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tính chung đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 75/80 xã nông thôn mới, 29 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác dân tộc; qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội chung của toàn tỉnh.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh ước đạt 7%; GRDP bình quân đầu người gần 70 triệu đồng. Tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong năm 2024 hơn 1%; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer là 2%.

Thực tế cho thấy, việc triển khai hiệu quả các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng, trong đó có Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Qua đó, đồng bào càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy tốt tinh thần đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương.

Ðến năm 2029, Sóc Trăng phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng bình quân chung của tỉnh; toàn bộ địa bàn hành chính cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô-tô đến trung tâm, được trải nhựa hoặc bê-tông hóa; toàn bộ đường giao thông khóm, ấp đến trung tâm xã được xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Cùng với đó, tất cả người dân vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh được sử dụng điện; 77,5% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn và 100% được sử dụng viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe nhìn.