Quan Sơn vượt qua lũ dữ

Trong đợt mưa lớn do bão số 3 vừa qua, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Hiện, lực lượng vũ trang cùng cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương, cộng đồng xã hội đang chung tay, góp sức giúp nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng công an giúp hộ dân cụm bản Sa Ná tháo dỡ cấu kiện nhà sàn để dựng lại nhà tại nơi ở mới.
Lực lượng công an giúp hộ dân cụm bản Sa Ná tháo dỡ cấu kiện nhà sàn để dựng lại nhà tại nơi ở mới.

Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện miền núi Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tổng lượng mưa tới 400 mm. Sáng 3-8, đã xảy ra lũ quét qua cụm bản Sa Ná, xã Na Mèo, xô đổ, cuốn trôi 31 ngôi nhà, làm năm người bị thương, một người chết, chín người còn mất tích. Sáng 6-8, khoảng 200 người gồm các lực lượng bộ đội, công an, bộ đội biên phòng tiếp tục giúp người dân cụm bản Sa Ná tháo dỡ, di chuyển cấu kiện nhà sàn, các nông cụ, đồ gia dụng cùng hai phương tiện cơ giới xúc lật đất cát tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: Lực lượng vũ trang sớm tiếp cận bản Sa Ná bị cô lập để nắm rõ tình hình, số người bị thương, mất tích, tham mưu triển khai tìm kiếm và thực thi các giải pháp sớm ổn định cuộc sống cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai. Bản Sa Ná có 74 hộ, 335 nhân khẩu cư trú ở ba cụm bản, nên chính quyền cơ sở, lực lượng vũ trang cùng cộng đồng làng bản bố trí cho các nhân khẩu có nhà bị mưa lũ cuốn trôi lưu trú xen ghép với hộ anh em thân tộc. Hiện, 55 chiến sĩ bộ đội biên phòng bám cụm bản Sa Ná bên suối Son thu dọn chướng ngại vật, tháo dỡ các ngôi nhà hư hỏng nặng nhằm tìm kiếm các nạn nhân, động viên, ổn định tư tưởng người dân.

Huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào có công văn hỗ trợ tìm kiếm bảy nạn nhân bị lũ cuốn cho nên khoảng hơn 200 cán bộ, dân quân tự vệ địa phương chia thành các tổ công tác, phân đoạn, phân tuyến, nỗ lực tìm kiếm dọc tuyến sông Luồng chảy qua các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Điện ở huyện Quan Sơn. Các huyện Quan Hóa, Bá Thước cũng huy động nhân lực nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân, vì vậy phạm vi tìm kiếm kéo dài tới hơn 100 km. Dân quân tự vệ xã Na Mèo Hà Văn Cường trao đổi: Từ sáng sớm chúng tôi đi bộ, triển khai hoạt động tìm kiếm dọc sông Luồng, rà soát từng bãi đất bồi, bụi cây hai bên sông; phối hợp chặt chẽ với dân quân các xã bạn khép kín phạm vi, địa bàn tìm kiếm. Gần trưa ngày 6-8, lực lượng chức năng cùng người dân ở xã Sơn Điện đã tìm thấy một phần thi thể nạn nhân trên sông Luồng, đoạn chảy qua bản Nhài. Thượng tá Đinh Lệnh Thanh, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Quan Sơn nhấn mạnh: Ưu tiên hiện nay là tập trung cho việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích do mưa lũ. Ngoài 50 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 762 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bám cụm bản Sa Ná giúp dân, hiện 20 cán bộ quân sự huyện, bốn trung đội dân quân cùng tiểu đội dân quân thường trực xã Na Mèo duy trì hoạt động tìm kiếm chặt chẽ, kỹ lưỡng nhằm tìm kiếm các nạn nhân bản Sa Ná và huyện bạn còn mất tích do mưa lũ.

Nỗ lực ổn định đời sống nhân dân vùng lũ

Trong mưa lũ, lực lượng y tế đã đồng hành cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn tích cực sơ cứu, chăm sóc sức khỏe cho người bị thương do sập nhà ở, lũ cuốn. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, hiện các bệnh nhân Lương Văn Chon, Lữ Thị Thương, Nguyễn Minh Lâm đang được điều trị, chăm sóc. Anh Nguyễn Hữu Du, cán bộ gây mê hồi sức cho biết: Các người bệnh nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do va đập, nhiễm lạnh. Được cấp cứu, điều trị tích cực, hiện tình hình các vết thương, sức khỏe của họ chuyển biến tích cực. Cán bộ y tế tư vấn cho gia đình và người hảo tâm thực hiện chế độ chăm sóc, nhất là bảo đảm khẩu phần ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng cho các người bệnh. Tại bản Sa Ná, cán bộ quân y cùng nhân viên y tế đang tích cực thăm khám sức khỏe cho nhân dân vùng lũ. Ngày 6-8, đoàn công tác của Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa mang theo cơ số thuốc điều trị, hóa chất, thiết bị y tế tiếp cận vùng lũ, triển khai phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại cụm bản Sa Ná và tư vấn biện pháp phòng bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Điều ghi nhận là cộng đồng dân cư bản Sa Ná luôn đùm bọc, trợ giúp nhau ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện, tất cả các hộ, nhân khẩu có nhà, tài sản, cùng lương thực, đồ dùng vật dụng bị lũ cuốn trôi hiện lưu trú, sinh hoạt cùng anh em thân tộc tại hai cụm bản Sa Ná không bị lũ dữ tàn phá. Đồng hành, nhiều người hảo tâm, tổ chức thiện nguyện mang theo quần áo, chăn màn, đồ gia dụng, mì tôm giúp các hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà ở cùng các đồ dùng, vật dụng. Đào Thị Lụa bộc bạch với chúng tôi, em từng dạy học sinh mầm non ở xã Na Mèo. Sớm biết tin cụm bản Sa Ná bị lũ quét, em cùng các tình nguyện viên đã kêu gọi, quyên góp, gửi gần mười bao bì quần áo, chăn, màn giúp bà con vùng lũ.

Thực tế, huyện Quan Sơn khá chủ động ứng phó với bão số 3, đã tổ chức di dời, sơ tán 86 hộ, 286 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân khu 4 đã kịp thời hỗ trợ hơn mười tấn gạo, lương khô và huyện Quan Sơn cũng đã khẩn trương tiếp cận 17 bản bị cô lập để cứu trợ khẩn cấp người dân gần 3.000 thùng mì tôm, hơn 500 thùng nước sạch. Dù vậy, diễn biến thời tiết phức tạp, ngay cán bộ huyện, xã, người dân bản Sa Ná cũng không nghĩ rằng có thể xảy ra lũ quét ở cụm bản bên suối Son. Theo báo cáo, toàn huyện có ba người chết, chín người còn mất thông tin liên lạc, năm người bị thương, 56 ngôi nhà bị sập một phần đến hư hỏng hoàn toàn; nhiều công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa đến trạm viễn thông, hệ thống điện sáng, hạ tầng giao thông bị hư hỏng... Trên cơ sở tham vấn ý kiến nhân dân, các cấp chính quyền cùng các ngành liên quan ở Thanh Hóa đã khảo sát, dự kiến di chuyển 31 hộ dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do lũ quét đến khu tái định cư an toàn hơn. Theo đó, ngoài quan tâm tạo quỹ đất, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng khu tái định cư cho các hộ ở cụm bản Sa Ná, cán bộ, nhân dân xã Na Mèo rất mong sự chung tay, góp sức của cộng đồng để các hộ dân ở cụm bản Sa Ná sớm có nhà ở, ổn định đời sống, sản xuất. Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Nguyễn Ngọc Tiến thông tin thêm: Đợt mưa lũ vừa qua toàn huyện có gần 113 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, trong đó nhiều diện tích đất nông nghiệp ven sông, suối bị sa bồi, trơ sỏi đá. Hiện, cấp ủy, chính quyền huyện, xã đang khảo sát cải tạo, lồng ghép các chính sách hiện hành hỗ trợ đất canh tác, xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân có ruộng bị mưa lũ cuốn trôi ở cụm bản Sa Ná nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung.